Tôi vẫn nhớ về Bali “nhỏ bé” trong số hơn 17.000 hòn đảo của đất nước Indonesia và là một trong hơn 8.000 hòn đảo có người sinh sống của vùng đất hơn 260 triệu dân, cũng là nơi đáng sống nhất trên thế giới. Ở Bali, mỗi căn nhà đều có một ngôi đền, đó là bảo tàng sống về kiến trúc văn hóa của những người dân theo đạo Hindu. Núi lửa ở Ubud đôi khi vẫn hoạt động, ruộng bậc thang Tegalalang vẫn nép mình dưới những rặng dừa chuyển màu từ xanh sang vàng mỗi mùa gặt. Tôi cũng sẽ chẳng thể quên được những sớm thức dậy trong tiếng cầu kinh khe khẽ, ánh nắng ban mai ngập tràn từng căn nhà góc phố, tôi nhớ Ubud yên bình đến nao lòng với những người dân thân thiện dễ mến. Vậy đấy, nếu bạn đã tới Bali, bạn có thương nhớ như tôi không?
Nguồn cảm hứng của thiên tiểu thuyết nổi tiếng
Trong căn nhà nhỏ xinh ở Ubud, chút mùi thơm từ hoa đại lẫn cả mùi của những que hương được cắm nhiều nơi khiến cho toàn bộ không khí trở nên huyễn hoặc hơn. Người con trai của ông Ketut Liyer ngồi khoanh chân trên chiếc chiếu nhỏ, phía sau là bàn thờ và những tấm hình, cuốn sách mang tên “Eat Pray Love”. Sau cái bắt tay rất nồng ấm là những lời tiên tri về cuộc sống đã qua cũng như tương lai của tôi. Tôi thấy khá đúng về chính cuộc đời mình đã qua, dĩ nhiên, tương lai thì đang ở phía trước và cần phải kiểm chứng. Có thể nhiều người biết đến câu chuyện lãng mạn của Elizabeth Gilbert trong “Ăn, Cầu nguyện và Yêu” nhưng lại không biết những con người và căn nhà đã là nguồn cảm hứng tạo nên cuốn sách ấy.
Tôi tạm biệt ông Ketut Liyer và gia đình để tiếp tục rong ruổi mảnh đất yên bình Ubud trên chiếc xe máy vừa mới thuê sáng nay. Đường ở Indo không quá rộng nhưng lại rất sạch sẽ, mọi người đi lại trật tự và hiếm khi bạn nghe thấy tiếng còi xe. Tôi cứ để mặc cho tâm hồn dẫn lối thể xác đến tận khi ngọn núi lửa Batur hiện ra trước mắt mới giật mình dừng lại.
Núi lửa và đền thiêng
Nằm cạnh hồ nước, ngọn núi lửa về lý thuyết là vẫn còn hoạt động nhưng giờ đây luôn là điểm đến thú vị. Bạn có thể dậy thật sớm để leo lên đỉnh núi và ngắm bình minh trên đó hoặc đơn giản là ngồi ở một quán nhỏ với view rất đẹp như tôi đây và thưởng thức bữa trưa ngon tuyệt vời. Nhiều người chỉ tới Ubud trong thoáng chốc rồi lại đi vì nó không ồn ào sôi động như ở Kuta, nhưng với tôi thì một tháng ở mảnh đất này chắc vẫn còn thiếu. Có quá nhiều món để ăn, quá nhiều nơi để đi và nhiều người để gặp gỡ nói chuyện. Như câu chuyện về ngôi đền Tirta Empul nơi có dòng nước thánh Holy Spring gột rửa mọi bụi trần.
Nằm giữa hai ngọn đồi với những dòng suối linh thiêng, ngôi đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 10 dưới triều đại Warmadewa, tên của ngôi đền được lấy từ mạch nước ngầm “Tirta Empul”. Đền được chia làm 3 khu chính là Jaba Pura (sân trước), Jaba Tengah (sân trung tâm) và Jeroan (sân trong). Jaba Tengah có 2 hồ bơi và hàng chục vòi nước chảy ra. Ngôi đền chính là nơi người dân theo đạo Hindu ở Bali tới làm lễ thanh lọc. Điểm đặc biệt chính là mạch nước ngầm phun trào từ lòng đất hàng ngàn năm không ngừng nghỉ tạo nên dòng nước thiêng. Theo quan niệm của người Bali, dòng nước này sẽ loại bỏ các bệnh tật, gột rửa những tội lỗi, cứu rỗi linh hồn và đem tới cho con người niềm vui. Bạn sẽ phải quấn sà-rông (được phát tại quầy) trước khi vào ngôi đền. Có rất nhiều du khách cũng như người dân tắm gội, dùng nước, rửa mặt tại các vòi nước được dẫn trực tiếp từ Holy Spring đang phun trào ngày đêm. Tôi không biết những dòng nước này có thực sự gột rửa được mọi bụi trần hay không nhưng khi nhìn dòng người đang nghiêm mình làm lễ cũng như thử vốc nước lên rửa mặt, tôi thấy mình có thêm sức lực để khám phá hòn đảo xinh đẹp này.
Một Bali thân thiện
Và thế là tôi lại đi, vòng qua những cánh đồng đang mùa cấy, nụ cười người nông dân Ubud hiền hậu sẵn sàng trò chuyện với bạn. Đất nước Indonesia có hơn 300 dân tộc với hơn 700 ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, trên hòn đảo Bali này, bạn có thể sử dụng tiếng Anh một cách thoải mái vì hầu hết mọi người đầu có thể nói được tiếng Bali và ngôn ngữ quốc tế. Khi đã quá mệt, tôi lại ghé vào quán café nhỏ ven đường, thưởng thức hương vị café Bali thơm ngọt hoặc hơn 14 loại đồ uống khác nhau hầu hết được làm từ những nguyên liệu trong vườn nhà.
Tôi thích cách mà người dân Bali làm du lịch, có cảm tưởng như họ làm du lịch từ chính trong tâm mỗi người vậy. Dù bạn có khó tính đến mấy thì họ cũng có thể làm hài lòng như khi tôi nói rằng tôi đói (lúc đó đã là 11h đêm) và chỉ 30 phút sau, nhân viên khu nghỉ đã mang tới tận phòng một đĩa cơm rang Nasi Goreng nóng hổi.
Vô vàn hoạt động đang chờ bạn khám phá
Bali cũng có tất cả các loại hình mà khách du lịch mong muốn. Hàng ngàn ngôi đền lớn nhỏ trải khắp hòn đảo với lịch sử khác nhau dành cho ai muốn khám phá nền văn hóa tâm linh. Những bãi biển tuyệt đẹp ở Kuta, Jimbaran… với nắng ngập tràn cùng dịch vụ hoàn hảo là thiên đường cho ai thích nằm phơi mình trên bãi cát, thưởng thức hải sản hay các hoạt động cảm giác mạnh như lướt sóng, câu cá, lặn biển. Bạn muốn trekking, hiking, biking, rafting, surfing… đều có thể thực hiện được với 7 ngọn núi lửa, rừng nguyên sinh, lòng hồ, suối thác. Hàng ngàn resort, homestay với cảnh quan rất đẹp, hòa mình giữa thiên nhiên nhưng giá cả phải chăng là nơi lý tưởng để bạn trốn thế giới tìm một góc nhỏ yên tĩnh cho bản thân mình.
Như tôi, tôi khoái đại dương và đã chọn trò Seawalker cho hoạt động tiếp theo ở Bali. Đó là cuộc dạo chơi dưới đáy biển thực sự nhưng trước đó các hướng dẫn viên sẽ chỉ dẫn đầy đủ các ký hiệu, kỹ năng cũng như giới thiệu về hình thức trải nghiệm thú vị này. Sau đó, bạn lên một chiếc thuyền nhỏ để ra phía ngoài xa, lên một chiếc thuyền lớn hơn. Tại đây, một lần nữa, hướng dẫn viên sẽ nói kỹ về cách dùng mũ chụp đầu, tín hiệu khẩn cấp cũng như cung cấp dịch vụ chụp hình, quay video dưới nước nếu bạn cần.
Việc thay đổi áp suất có thể khiến bạn bị đau tai một chút nhưng sau đó, cảnh sắc độc đáo dưới đáy biển sẽ làm bạn quên đi tất cả. Những đàn cá nhiều màu sắc bơi quanh bạn, chỉ cần giơ tay ra là có thể “tóm” được chúng, từng rặng san hô tuyệt đẹp cũng như quang cảnh ánh nắng chiếu xuống mặt biển khá kỳ thú. Tôi khuyên bạn nên thử cảm giác trải nghiệm này một lần trong đời mỗi khi tới Bali.
Rất khó để có thể liệt kê hết các điểm tham quan cũng như cảm xúc sau mỗi lần ghé thăm danh thắng nào đó. Khu rừng khỉ với hơn 700 cá thể khỉ với ngôi đền độc đáo ở giữa có thể là điểm dừng chân tạm thời để bạn tiếp tục hành trình đi về phía ngôi đền Uluwatu hoặc Tanah Lot. Uluwatu là một trong những ngôi đền cổ xưa nhất ở Bali, nằm trên vách núi ven biển và được chạm khắc từ đá san hô đen với các tầng mái lá xếp chồng lên nhau. Cùng với Tanah Lot, Uluwatu là một trong những điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất ở Bali nói riêng và thế giới nói chung. Đó là hoàng hôn của ngày đầu tiên tôi ở xứ sở này, hoàng hôn ngày thứ hai tôi chọn Rock Bar làm điểm đến.
Nằm trên vách núi đầy gió với trước mặt là biển cả mênh mông. Bạn có thể thư thái ngồi nằm trên những chiếc salon hít hà mùi vị của biển, nghe nhạc sống và thưởng thức các món ăn đặc sản cũng như hải sản của hòn đảo này. Hãy thử ăn tối dưới ánh nến lung linh, sóng vỗ rì rào với phong cách phục vụ đẳng cấp, tin tôi đi, đó là trải nghiệm không thể nào quên của bạn đâu. Bạn sẽ còn thương nhớ về nó dài dài…
Tôi yêu Ubud như yêu chính mảnh đất phố Hội quê mình. Người dân sống thân thiện, chan hòa và mến khách. Gần như chẳng có hàng quán nào mở cửa trước 9 giờ sáng đâu, bởi trước đó, họ còn phải cầu nguyện và làm các nghi lễ truyền thống. Đĩa hoa, nén hương cùng tấm lòng thành kính được dâng lên trong mỗi căn nhà, ngôi đền… có thể sẽ khiến bạn tĩnh tâm lại một chút sau phút ồn ào và dữ dội của những ngày tháng đã qua.
Người dân Ubud gần như cũng chẳng bao giờ đóng hàng quán muộn hơn 10h tối (trừ một số quán bar, pub). Nếu ngồi trong quán nhỏ ở Tegalalang ngắm nhìn ruộng bậc thang xanh mướt lẫn trong những rặng dừa cao vút, khi người nông dân vẫn cặm cụi làm việc đồng áng còn du khách thoải mái nhâm nhi tách café bên cạnh mới thấy cuộc sống của họ bình yên đến mức nào.
Trong căn homestay nhỏ xinh giữa cánh đồng, ánh nến nơi góc phòng quyện cùng mùi hương tinh dầu, bên ngoài dăm ba chú dế nhỏ đang khe khẽ hát, tôi ngồi yên trên chiếc ghế đọc sách. Vặn nhỏ đèn lại một chút, tôi lần giở cuốn sổ tay vẫn mang theo để ghi vội vài dòng cảm xúc: Bali… có chút gì thương nhớ… Ubud…!
THÔNG TIN THÊM
+ Tham quan: Bạn cần chuẩn bị các lộ trình và điểm tham quan phù hợp tùy thuộc số ngày bạn lang thang trên hòn đảo thiên đường này. Một số điểm tham quan chính ở Bali là: hồ Beretan, núi lửa Batur, núi lửa Kintamani, làng Batubalan, đền Tanah Lot, đền Uluwatu, biển Kuta, biển Jimbaran, biển Sanur, Ubud, Monkey Forest, Holy Spring cùng hàng loạt ngôi đền, làng nghề truyền thống cũng như khu vui chơi khác.
+ Hành trang: Nếu xác định là một chuyến đi du lịch bụi và tham gia các trò chơi mạo hiểm, bạn cần chuẩn bị các đồ dùng chuyên dụng tương ứng. Khí hậu ở Bali cũng khá giống với Sài Gòn với hai mùa khô và mưa, nhiệt độ. Ban ngày có thể nắng nóng nhưng ban đêm khá mát mẻ vì có gió biển thổi. Ngoài các vật dụng cho một chuyến du lịch nước ngoài cơ bản, bạn cần mang theo phích cắm điện đa năng bởi định dạng ổ điện ở Bali không giống ở Việt Nam. Một điều lưu ý nữa là nên mang theo thuốc chống muỗi, côn trùng vì vùng quê Ubud với các resort, homestay kiểu sân vườn nên khá nhiều muỗi. Vì bay tới Bali bạn phải đợi nối chuyến (thường là quá cảnh tại Singapore hoặc Kuala Lampur, Malaysia) nên có thể mang theo sách hoặc các thiết bị giải trí trong khi chờ đợi.
+ Tiền tệ: Bạn chỉ cần đổi tiền VND sang USD tại Việt Nam rồi mang sang Bali để đổi đồng Rupiah nội địa dùng để chi tiêu. Một kinh nghiệm là bạn nên xem các bảng giá được niêm yết ở phía ngoài mỗi cửa hàng, chỗ nào có tỷ giá tốt nhất thì nên đổi ở đó. Mức giá bình quân ở Bali cao hơn Việt Nam một chút xíu.
+ Mua sắm: Khi ra chợ hoặc các quầy lưu niệm ở vỉa hè, bạn có thể mặc cả thoải mái. Người dân ở đây khá thân thiện nên không phải lo họ nặng lời với bạn vì trả giá. Lưu ý, một số cửa hàng nói thách gấp đến 2-3 lần giá trị thực của món đồ đấy nhé!
+ Ẩm thực: Bali có rất nhiều món ăn truyền thống cũng như các hàng quán với món ăn Á – Âu, nên bạn chẳng phải lo mấy. Muốn ăn các món truyền thống của người dân địa phương, bạn nên tìm quán có chữ Warung. Hải sản thì có rất nhiều món ở biển Jimbaran hay các nhà hàng, giá cả cũng rất phải chăng. Người Bali hay dùng nhiều nước sốt cho các món ăn của mình. Đồ uống cũng rất đa dạng, bạn có thể vào các quán để thưởng thức khoảng 14 loại đồ uống địa phương.
+ Đi lại: Bạn có thể thuê xe máy hoặc ôtô tự lái để tham quan Bali, cũng có thể chọn hẳn xe tour private cho riêng mình. Chú ý, đường ở Bali đi bên trái, ngược lại với Việt Nam. Mặt đường ở đây rất phẳng, mịn nhưng khá nhỏ, hầu hết mọi người rất ít dùng còi xe.
+ Thông tin liên lạc: Bạn nên mua sim card 3G bản địa để tiện liên lạc; wifi cũng có khá nhiều nơi. Nên mang theo cục phát wifi là tiện nhất, mua 1 sim dùng được cho cả nhóm.
+ Lưu ý trang phục: Một số ngôi đền yêu cầu bạn sử dụng trang phục nghiêm chỉnh mới được vào hoặc họ sẽ phát xà rông để bạn quấn quanh thân trước khi vào đền. Nếu đi Monkey Forest thì không nên đeo túi xách hay trêu lũ khỉ bởi chúng sẽ giật hết đồ của bạn!