Con đường như dải lụa
Ruộng bậc thang mướt xanh
Cảnh miền Tây xứ Quảng
Đẹp như một bức tranh
Bắc Trà My và thủy điện Sông Tranh 2
Xuất phát từ thành phố Tam Kỳ vào một ngày nắng đẹp, chúng tôi rong ruổi xe máy theo tỉnh lộ ĐT616 băng qua huyện trung du Tiên Phước, vào đất Bắc Trà My - con đường bắt đầu cặp theo sông Tranh. Vừa qua khỏi thị trấn Bắc Trà My là đã thấy đập thủy điện Sông Tranh 2 sừng sững phía trước.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang tạm ngưng hoạt động để kiểm tra, theo dõi một số hoạt động địa chất bất thường ở khu vực, nên chúng tôi ngắm cảnh và chụp ảnh trên mặt đập khá thoải mái.
Đứng trên mặt đập nhìn ra xung quanh, trập trùng bóng núi soi bóng mặt hồ thủy điện. Sông Tranh đoạn sau đập khá cạn nước, với các bãi đá nổi lên ngay phía sau các cửa xả.
Rời đập thủy điện Sông Tranh 2, chúng tôi tiếp tục theo đường ĐT616 ngược về thượng nguồn sông Tranh. Núi rừng mênh mông ngút ngát, con đường uốn lượn lên xuống theo triền núi. Qua khỏi cây cầu Nước Xa - ranh giới giữa hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My - con đường và con sông Tranh lại song song với nhau.
Nam Trà My - hùng vĩ thượng nguồn sông Tranh
Ngay nơi con đường và con sông cặp lại bên nhau, có một cây cầu treo cũ bắc ngang sông - cầu treo Trà Leng. Cầu Trà Leng mới bằng bê tông đã được xây dựng cách đó không xa nên hầu như chẳng còn ai đi cầu treo. Trên cầu treo Trà Leng, chúng tôi tiếp tục được thưởng ngoạn một khúc sông Tranh rất ấn tượng, tựa như dòng chảy trong lòng chiếc máng bằng đá khổng lồ.
Đoạn trước, đường và sông tách rời nhau vì sự hình thành của hồ thủy điện, từ đây trở đi, đường và sông luôn song hành bên nhau. Con đường giờ đã chạy giữa núi rừng miền Tây Nam xứ Quảng, nhưng chúng tôi không hề cảm thấy sự u tịch của rừng già, bởi có tiếng dòng chảy của con sông ngay bên cạnh.
Thị trấn nhỏ Nam Trà My nằm ngay tại ngã ba giữa sông Tranh và suối Nước La. Huyện lỵ miền núi vùng sâu với một vài con phố nhỏ, một vài nhà nghỉ nhỏ và một số quán ăn khá đơn sơ. Tuy nhiên cảnh quan thì tuyệt đẹp, với màu xanh mướt của núi rừng và không khí rất trong lành.
Nam Trà My nằm dưới chân dãy Ngọc Linh, sông Tranh cũng uốn lượn ôm theo chân khối núi nổi tiếng này. Qua khỏi thị trấn về phía Nam là đã sắp sang đất Kon Tum, có một số đường nhánh dẫn vào núi Ngọc Linh qua các xã Trà Cang, Trà Linh.
Chúng tôi ghé xuống đường dẫn sang xã Trà Linh qua cầu Trà Linh bắc ngang sông Tranh. Cây cầu bắc qua khúc sông đầy những khối đá lớn rải khắp lòng sông. Nơi này đã lên rất cao trên thượng nguồn, sông Tranh đoạn này giống như một con suối khá hiền hòa - trừ mùa mưa lũ. Cây cầu bắc ngang sông, với hàng lan can bê tông nhìn từ xa như một hệ thống lỗ châu mai phòng thủ trên các pháo đài thời xưa.
Thung lũng ruộng bậc thang ở Trà Nam
Đi tiếp đến vùng đất xa xôi nhất của đất Nam Trà My, xã Trà Nam, chúng tôi vỡ òa ngạc nhiên khi trước mắt là những thửa ruộng bậc thang xanh mướt ngay giữa núi rừng xứ Quảng.
Tại đoạn cuối cùng con đường song hành cùng sông Tranh (bởi sau đó, con sông sẽ thu hẹp lại như một mạch suối nhỏ trên núi chảy xuống), ngay nơi cây cầu Đăk Pxi vắt qua sông Tranh để bẻ hướng con đường lên sườn dãy núi phía Tây, là một thung lũng nhỏ với các thửa ruộng bậc thang trải dài. Về quy mô, ruộng bậc thang ở Trà Nam không thể sánh với khu vực Tây Bắc, nhưng giữa vùng núi rừng hoang vu giáp ranh Tây Nguyên, được chứng kiến bức tranh đẹp đẽ này, tất cả chúng tôi đều vô cùng ngạc nhiên và thích thú.
Qua khỏi Trà Nam là vào đất Kon Tum, chúng tôi phải vượt qua hơn 60 km đường đèo dốc nữa mới đến được thị trấn Đăk Tô trên QL14. Những năm trước, con đường phía đất Kon Tum chưa được đầu tư nên đi lại rất vất vả, nay thì ĐT616 đã được nâng cấp thành QL40B, việc đi lại đã thuận tiện hơn rất nhiều. Nếu có dịp, hãy thử tìm đến với vùng thiên nhiên hoang sơ này nhé.