Venice, “thành phố kênh đào” xinh đẹp ở Đông Bắc nước Ý, đang hứng chịu đợt nước dâng cao thứ hai từng được ghi nhận tại đây. Mưa lớn từ ngày 12/11 đã kéo mực nước của hệ thống kênh bao quanh Venice dâng lên, khiến nhà thờ cổ kính bị ngập và các quảng trường, con hẻm chìm trong nước.
Đến 14/11, hơn 85% Venice trong tình trạng ngập lụt. Các cơ quan dự đoán triều cường ở Venice dự đoán mực nước cao nhất sẽ đạt 1,27 m. Thế nhưng, mưa lớn liên tục đã khiến nước lũ dâng lên đến 1,87 m, mức kỉ lục trong 50 năm qua.
Thị trưởng của thành phố, ông Luigi Brugnaro chia sẻ rằng mực nước lũ cao nhất ở đây trong hơn 50 năm qua sẽ để lại một "dấu ấn vĩnh viễn" lên thành phố. Ông cho rằng đây là tác động của biến đổi khí hậu và cái giá phải trả quá lớn nên Chính phủ cần phải lắng nghe và hành động. "Tình hình rất nghiêm trọng. Chúng tôi đã yêu cầu Chính phủ giúp đỡ".
Đến hiện tại, thiệt hại do cơn lũ là "rất lớn" và chính quyền phải tuyên bố tình trạng thảm họa, cảnh báo rằng một dự án giúp Venice không bị lũ lụt tàn phá cần phải được hoàn thành sớm. Đã có 2 người thiệt mạng và 3 vaporetti (tàu chở khách công cộng ở Venice) bị chìm trong đợt ngập nước này.
Bên cạnh đó, tất cả các trường học và bệnh viện cũng sẽ đóng cửa cho đến khi mực nước giảm. Giới chức khuyến cáo người dân không rời khỏi nhà khi không cần thiết. Lực lượng chức năng đã triển khai các tàu sở tại để đảm nhận vai trò như xe cứu thương đường thủy. Ván kê tạm thời cũng được đặt để người dân và du khách đi lại.
Trên thực tế, một dự án để bảo vệ thành phố khỏi lũ lụt đã được tiến hành từ năm 2003 nhưng lại phải dừng lại bởi thiếu chi phí, sự bê bối và chậm trễ tiến độ.
Trận lũ lụt ở Venice lần này là do sự kết hợp của thủy triều và một cơn bão khí tượng do gió thổi mạnh theo hướng Đông Bắc trên biển Adriatic. Khi hai hiện tượng này kết hợp với nhau tạo thành một hiện tượng gọi là Acqua Alta (nước cao).
Trong điều kiện khí hậu thay đổi liên tục, mực nước biển đang dâng cao và một thành phố như Venice, nơi đang chìm dần, rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thay đổi đó. Tần suất liên tục tăng của thủy triều là minh chứng cho điều đó.
"Lũ lụt bất thường ở Venice là do biến đổi khí hậu gây ra, và sẽ xảy ra không phải sau 50 năm như trước đây, mà sau 3-5 năm lại có một lần bị ngập", Giám đốc Chương trình Năng lượng và Khí hậu WWF Nga, ông Alexey Kokorin cho biết.
Thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục xấu hơn trong những ngày tới và du khách được khuyến cáo nên thận trọng. Các khu vực Basilicata, Calabria và Sicily cũng được đặt trong báo động tối đa khi mưa và gió mạnh kéo dài liên tục ở phía nam nước Ý.