Vượt qua nỗi ám ảnh sau kỳ nghỉ lễ

29/01/2023

Tưởng rằng 1 kỳ nghỉ sẽ cho ta cảm giác nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng, thế nhưng trên thực tế, quay trở lại văn phòng sau nghỉ lễ chưa bao giờ là một điều dễ dàng.

Nếu thời điểm này 1 tuần trước, người người nhà nhà tất bật chuẩn bị đón năm mới và tận hưởng kỳ nghỉ lễ kéo dài; thì hẳn từ hôm nay, họ đã phải chuẩn bị tâm lý quay trở lại với nhịp sống bình thường, với công việc và những nhiệm vụ phải thực hiện.

Tưởng rằng 1 kỳ nghỉ sẽ cho ta cảm giác nghỉ ngơi để lấy lại năng lượng, thế nhưng trên thực tế, quay trở lại văn phòng sau nghỉ lễ chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Sự nuối tiếc thời gian vui chơi, nỗi sợ khối lượng công việc dày đặc sau nghỉ Tết, hay tâm lý vẫn còn mơ mộng ở những kế hoạch ăn chơi là một vài trong những lý do khiến người ta gặp khó khăn khi quay lại với guồng sống cũ. Thậm chí, thực trạng này còn được gọi với cái tên: “Hội chứng sau kỳ nghỉ”.

Hội chứng sau kỳ nghỉ - Nỗi ám ảnh của dân văn phòng

“Hội chứng sau kỳ nghỉ” ám chỉ trạng thái cảm xúc chán chường, mệt mỏi diễn ra sau giai đoạn nghỉ lễ. Nếu như trước và trong kỳ nghỉ, hormone hạnh phúc (dopamine) trong cơ thể chúng ta tăng cao, thì khi quay trở lại nhịp điệu cũ, lượng dopamine lại giảm đột ngột khiến cơ thể mất thời gian ban đầu để thích nghi. Đây là một phản ứng tự nhiên và hầu như ai cũng có thể trải qua. Những biểu hiện chính của “hội chứng sau kỳ nghỉ” thường bao gồm cảm giác mất năng lượng, mất ngủ, dễ bị kích thích, khó tập trung và lo lắng.

“Hội chứng sau kỳ nghỉ” gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc

“Hội chứng sau kỳ nghỉ” gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc

Thông thường, “hội chứng sau kỳ nghỉ” chỉ kéo dài trong một vài ngày và biến mất khi cơ thể và tâm lý của chúng ta đã quen với nhịp sinh hoạt trước đây. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, quá trình thích nghi có thể lâu hơn, lên đến một vài tuần. Nếu kéo dài, tình trạng này làm năng suất lao động giảm, thậm chí là dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng hơn.

Quay lại công việc sao cho nhẹ nhàng?

Lên kế hoạch

Một tâm lý chung mà rất nhiều người gặp phải trước khi nghỉ lễ một vài ngày là để bản thân “xả hơi”, còn được gọi là “rã đám”. Khi rơi vào trạng thái tâm lý này, người ta bị cảm giác háo hức chi phối, dẫn đến khó tập trung làm việc. Thay vào đó, họ có suy nghĩ sẽ để công việc đến sau kỳ nghỉ rồi làm luôn một thể. Thế nhưng, điều này vô tình lại khiến khối lượng công việc bị dồn lại, làm bạn càng thêm căng thẳng sau đó.

Lên kế hoạch công việc trước khi quay trở lại văn phòng.

Lên kế hoạch công việc trước khi quay trở lại văn phòng.

Để tránh tình trạng này, bạn có thể tranh thủ thời gian trên văn phòng dịp cận Tết, hoặc dành ngày trước khi đi làm để hệ thống lại đầu việc, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên. Bằng cách này, khi quay trở lại công việc, bạn sẽ không bị vướng phải “mớ bòng bong” những đầu việc lộn xộn, không biết bắt đầu từ đâu. Thay vì thế, một danh sách khoa học và gọn gàng đã chờ sẵn, việc của bạn chỉ là bắt tay vào thực hiện.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Linh Chi – hiện đang làm công việc văn phòng tại Hà Nội lại chọn cách tranh thủ những ngày nghỉ Tết để xử lý dần những đầu việc đơn giản.

“Nghỉ Tết dài nên mình có nhiều thời gian rảnh, không bận bịu gì nhiều, nên thỉnh thoảng lại cố gắng làm bớt một số công việc. Có thể nhiều người cho rằng điều này khiến thời gian nghỉ ngơi không được trọn vẹn, nhưng cá nhân mình thì thoải mái với nó. Mình chọn những đầu việc đơn giản, không tốn quá nhiều thời gian để giải quyết, cũng giúp cho mình đỡ bận hơn khi quay lại văn phòng sau khi nghỉ Tết.” – Linh Chi chia sẻ.

Linh Chi dành một phần thời gian nghỉ Tết để giải quyết những đầu việc đơn giản (Ảnh: NVCC)

Linh Chi dành một phần thời gian nghỉ Tết để giải quyết những đầu việc đơn giản (Ảnh: NVCC)

Tạo môi trường làm việc cảm hứng

Không chỉ công việc, dọn dẹp bàn làm việc sạch sẽ, gọn gàng là cách hiệu quả giúp bạn có cảm hứng quay lại công việc hơn. Chẳng ai muốn bắt đầu ngày đầu năm trong một không gian lộn xộn, ngổn ngang các loại giấy tờ. Vì vậy, nếu bạn chưa kịp sắp xếp trước Tết, hãy dành một chút thời gian để “tút tát” lại chiếc bàn ngay ngày đầu tiên đi làm như một cách khởi động nhẹ nhàng cho ngày làm việc hiệu quả.

Nếu có thể, hãy mua một vài đồ dùng trang trí, hoặc thêm một chút cây xanh trên bàn. Điều này sẽ mang lại cảm giác mới mẻ, vui vẻ hơn và từ đó đưa bạn vào guồng công việc dễ dàng hơn.

Tạo khoảng nghỉ trong công việc

Không gì khiến người ta mệt mỏi bằng ngày đầu tiên quay trở lại văn phòng sau kỳ nghỉ đã phải “bơi” trong biển công việc. Càng stress, hiệu quả làm việc càng giảm và kéo theo những chuỗi ngày tinh thần đi xuống.

Giao lưu với đồng nghiệp ngày đầu xuân.

Giao lưu với đồng nghiệp ngày đầu xuân.

Vì vậy, nếu không có công việc quá gấp cần giải quyết, bạn hãy bắt đầu với những đầu việc nhẹ nhàng, đồng thời xen kẽ những khoảng nghỉ ngắn để thư giãn bên đồng nghiệp. Việc trò chuyện với nhau về kỳ nghỉ của mình, ăn nhẹ hoặc pha một tách café ngon có thể khiến ngày làm việc của bạn trôi qua nhẹ nhàng hơn. Những ngày sau đó, bạn có thể dần dần tăng khối lượng công việc để giải quyết những nhiệm vụ còn tồn đọng. Điều này cũng chính là cách bạn tập luyện cho tâm trí mình quen với nhịp làm việc cũ.

Thùy Linh – nhân viên văn phòng tại Hà Nội chia sẻ: “Hầu như mọi năm, ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ là ngày mọi người đến giao lưu, chúc Tết và trò chuyện với nhau. Các công việc đều diễn ra nhẹ nhàng, đơn giản nên mình cũng cảm thấy đỡ áp lực hơn”.

Chăm sóc thể chất và tinh thần

Những ngày Tết, nhiều người trẻ cho phép mình thoải mái hơn trong lịch sinh hoạt như thức khuya hơn, dậy muộn hơn, giờ ăn uống linh động hơn. Tuy nhiên, khi kỳ nghỉ kết thúc, bạn cần điều chỉnh thói quen dần dần để quay trở lại nếp sinh hoạt cũ nếu không muốn vắt kiệt năng lượng của mình.

Giấc ngủ ngon giúp bạn có nhiều năng lượng hơn.

Giấc ngủ ngon giúp bạn có nhiều năng lượng hơn.

Một giấc ngủ ngon và sâu là điều tối quan trọng để bạn duy trì sự tỉnh táo, tập trung cho ngày làm việc. Việc đi ngủ sớm và thư giãn nhẹ nhàng trước khi ngủ sẽ khiến chất lượng giấc ngủ được cải thiện hơn, để bạn thức dậy với một tâm trạng tốt và đầy năng lượng. Bên cạnh đó, thưởng cho mình một bữa sáng yêu thích ngay tại nhà, hoặc hẹn hò với đồng nghiệp cùng nhau ăn sáng cũng là cách khởi đầu ngày làm việc vui vẻ và nhiều cảm hứng.

Quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ lễ kéo dài cũng giống như việc tỉnh giấc sau một giấc mơ đẹp. Có thể, bạn sẽ còn đôi chút nuối tiếc thời gian nghỉ ngơi, vui chơi; nhưng với một vài mẹo nhỏ trên đây, việc trở lại văn phòng sẽ trở nên nhẹ nhàng, vui vẻ và nhiều năng lượng hơn để sẵn sàng cho một năm mới năng suất.

Hà Thu - Nguồn: Ảnh: Internet
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES