"Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước đưa ra quyết định dựa trên bằng chứng và sự nhất quán", ông Tedros một lần nữa nhắc lại thông điệp từ cuộc họp Ủy ban Khẩn cấp tại Geneva. Ông Tedros cũng nhấn mạnh, sự cô lập từ quốc tế đối với Trung Quốc từ khi dịch bệnh bùng phát như đình chỉ chuyến bay, cấm khách du lịch... thậm chí có thể khiến số ca bệnh nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc tăng lên cao hơn. Đề cập tới tốc độ lây lan của virus corona ở các nước, ông cho biết tình trạng đang ở mức "tối thiểu và chậm".
Trước đó, WHO đã gọi dịch viêm phổi nCoV là “một sự khẩn cấp ở Trung Quốc” và chưa tuyên bố đây là một dịch bệnh toàn cầu.
Trung Quốc cũng lên án các "biện pháp mạnh mẽ" nhằm hạn chế lây lan dịch viêm phổi nCoV từ một số quốc gia, như đóng cửa biên giới hay tạm thời cấm các khách du lịch từ Trung Quốc. Những quốc gia đã có lệnh từ chối nhập cảnh và cấp thị thực cho khách Trung Quốc bao gồm Triều Tiên, Mông Cổ, Malaysia, Kazakhstan, Nga, Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Australia, Singapore, New Zealand, Philippines...
Dịch viêm phổi nCoV khởi phát ở thành phố Vũ Hán từ tháng 12/2019, lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành của Trung Quốc, 24 quốc gia và vùng lãnh thổ khác, bao gồm Việt Nam. Từ ngày 26/1, Trung Quốc đã phong tỏa hơn 10 thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi sinh sống của 56 triệu người nhằm hạn chế sự lây lan của căn bệnh. Chính quyền thành phố Vũ Hán cũng phải đối mặt với sự chỉ trích vì giấu giếm thông tin liên quan đến căn bệnh trong nhiều tuần liền. Tính đến ngày 4/2, có 426 ca tử vong vì viêm phổi nCoV, chủ yếu là ở Trung Quốc, số người nhiễm bệnh là 20.622. Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc xác nhận thêm 64 trường hợp dương tính mới, chỉ trong vòng 24 giờ.