Xì xụp món Thái

04/11/2016

Lọt thỏm giữa những tòa cao tầng là quán ăn bình dân mấy mươi năm tuổi đời, hay giữa không gian lạnh lẽo xám xịt được thiết kế theo cảm hứng công nghiệp là những bếp chảo ì xèo xào nấu. Chính sự giao thoa về văn hóa, kiến trúc, nguyên liệu và cả những phương thức nấu nướng khác biệt đã tạo nên dư vị khó quên trong lòng những ai từng trải nghiệm ẩm thực Thái Lan.

Theo sử sách ghi lại, một bộ phận lớn dân tộc Thái có gốc gác là những người di cư từ miền nam Trung Quốc. Nơi miền đất mới, họ vẫn tiếp tục nấu ăn theo thói quen sử dụng những loại gia vị đặc trưng vùng Yunan. Đó cũng chính là một nguyên do lý giải cho vị cay thường thấy trong nền ẩm thực quốc gia này.

Bên cạnh đó, nền ẩm thực tưởng chừng nguyên bản này cũng đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi văn hóa ẩm thực của hai quốc gia láng giềng Malaysia và Ấn Độ. Bạn sẽ thường xuyên bắt gặp bột cà ri, bột tôm khô, xả, cây thìa là, bột bạch đậu khấu, cây rau mùi hay satay trong các món ăn của người dân nơi đây.

 

 

Và dẫu người Thái rất để ý đến việc cân bằng cả 5 hương vị cơ bản là mặn, ngọt, chua, cay và đắng trong khi chế biến, thì vị cay bao giờ cũng trội hơn cả. Có người cho rằng đây chỉ là một định kiến sẵn có về đồ ăn Thái, có người thậm chí còn đếm đủ các món để phát hiện là hơn một nửa các món Thái không đậm vị cay hơn những vị còn lại. Nhưng cũng thật khó phân biệt cho những tín đồ ẩm thực như tôi. Lỡ yêu các món cay, lần nào đến Thái tôi cũng tự động tìm đến những cái tên cay xè để rồi lại than: “Đồ Thái sao mà cay quá vậy!”.

 

 

Tom Yum Goong

Sự kết hợp ăn ý giữa sả, ớt, riềng, lá chanh, hành khô, nước cốt chanh và nước mắm cùng những con tôm béo ngậy chính là công thức làm nên Tom Yum Goong, một trong những món ăn đáng tự hào của người Thái. Dù ở bất kì lúc nào và tại bất kì đâu, trong lúc đạp xe giữa gió nghiêng biển Bắc hay lang thang Paris quận 13 vốn chẳng thiếu “sơn hào hải vị”, hương vị cay nồng thoảng chút mùi sả của món súp tôm này sẽ đậu lại nơi khứu giác và nhanh chóng dẫn bạn tới nơi cần đến.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Somtum (gỏi đu đủ xanh cay) 

Trong khi đó, Somtum (gỏi đu đủ xanh cay) xuất xứ từ vùng Đông Bắc (Isaan) lại là một món ăn kỳ lạ vì khả năng phân chia thực khách thành hai nhóm: những người thực sự nghiện và những người chỉ biết lắc đầu nguầy nguậy khi nghe nhắc đến. Món này được chế biến từ các nguyên liệu chính gồm tỏi, ớt, đậu xanh, cà chua và đu đủ xắt sợi cùng mắm ba khía. Ở một số vùng, người dân còn cho đậu phụng, tôm khô hoặc ghẹ vào chung để tạo độ giòn và mặn mòi cho món gỏi. Sau khi đã có đầy đủ nguyên liệu, chủ hàng sẽ cho tất cả vào cối giã thật lâu cho thật thấm.

 

 

Pad Thai

Ngay cả một món rất đời thường và có mặt ở hầu hết các hang cùng ngõ hẻm là Pad Thai, hay còn được các du khách Việt Nam “dịch” ra với tên gọi phở xào chua ngọt kiểu Thái, cũng luôn được phục vụ kèm một đĩa ớt bột. Đi ăn Pad Thai với cô bạn thân bản địa, bao giờ tôi cũng thấy Penpisut cho cả chén ớt bột vào đĩa phở xào mà không cần đong đếm, đôi khi còn xin thêm. Có lẽ cô đã chạm đến được giới hạn ăn cay của mình để biết ngưỡng nào vừa sức, hoặc cũng có thể vì cô có bí quyết riêng để làm dịu khứu giác.

Riêng mình, tôi luôn chuẩn bị một đĩa xôi xoài sau mỗi lần ăn Pad Thai. Thích nhất là được ngồi ăn xôi xoài sau một hồi lang thang mua sắm ở Siam Center, trong không gian Food Republic được thiết kế theo phong cách New York SOHO với chất liệu xây thô. Cảnh tượng này khiến tôi có cảm giác đang được thưởng thức món “quê nhà” nơi giữa lòng thế giới.

 

 

Một không gian khác mà tôi đặc biệt thích giữa Bangkok là Yodpiman River Walk ngụ bên dòng sông Chao Phraya. Ngay cả dân bản địa có nhiều người cũng chưa từng đặt chân đến khu tổ hợp mua sắm kết hợp giải trí và nhà hàng ven sông này, vì Yodpiman chỉ mới được mở cửa vào cuối năm 2014. Không xô bồ đông đúc như Asiatique, ở đây, bạn có thể lựa chọn giữa ẩm thực Thái truyền thống tại quán Je Ngor, ẩm thực Nhật Bản tại Ootoya, hoặc thăm thú, ngó nghiêng những quán cà phê, tiệm bán trang sức và những món đồ thủ công xinh xắn.

 

 

Thêm một lí do nữa khiến tôi thích mê Yodpiman chính là việc chỉ cần băng qua sân sau của khu tổ hợp, bạn sẽ đến được chợ hoa nổi tiếng (Talad Pak Klong). Thế giới của bạt ngàn hương sắc ấy chính là ngõ tắt để đến với khu phố cổ Bangkok, nơi bạn có thể sẽ bắt gặp cảnh tượng xì xụp rất đỗi tự nhiên của người dân địa phương trong một hàng quán bản địa, vào một buổi khuya thưa khách. Hãy lưu lại hình ảnh giản dị này, bởi vì bạn chắc chắn sẽ không được chứng kiến khung cảnh ấy tại khu food court trong mấy trung tâm thương mại hay dãy nhà hàng có lối trang trí ấn tượng ở khu Siam, hay Sukhumvit.

 

 

Thông tin thêm:

+ Chỉ dẫn: Để tới Yodpiman River Walk, bạn có thể đến bến BTS Saphan Taskin, tìm khu vực dành riêng cho thuyền của Yodpiman. Hoặc gọi taxi đến thẳng chợ hoa Talad Pak Klong rồi băng qua chợ để vào tổ hợp từ cổng sau.

+ Khám phá: Là tín đồ trà chiều, bánh ngọt và cà phê, bạn nhất định phải ghé Casa Lapin để được trải nghiệm một trong những không gian tán chuyện yêu thích của người Bangkok. Tiệm hoa nhỏ nhắn nép mình trước quán cà phê là không gian làm việc của một nghệ nhân trồng và cắm hoa. Bạn có thể gõ cửa xin vào khám phá thế giới đáng yêu này.

 

Trang Ami

RELATED ARTICLES