Bún riêu, cao lầu lọt Top những món mì ngon nhất châu Á

25/06/2020

Bún riêu và cao lầu là 2 món ăn Việt Nam nằm trong danh sách những món mì ngon mà du khách lần đầu đến châu Á nên thử do CNN bình chọn.

Nhận xét về bún riêu của Việt Nam, CNN cho rằng, món ăn này được ưa chuộng hơn nhiều loại mì khác bởi sợi bún dễ ăn và có hương thơm nhẹ. Bát bún riêu bắt mắt với đầy ắp gạch cua, ốc, đậu rán, cà chua, thịt bò, giò tai... ăn kèm với rau sống, được bán nhiều ở các nhà hàng Việt Nam từ bình dân tới sang trọng.

Ở Việt Nam, bún riêu là một trong những món ăn tạo dấu ấn trong lòng du khách

Ở Việt Nam, bún riêu là một trong những món ăn tạo dấu ấn trong lòng du khách

Một món bún khác cũng được CNN nhắc đến là bún chả, bún thường được để lạnh, ăn kèm với thịt nướng, rau thơm và một chút nước mắm giấm pha loãng cùng rau sống

Một món bún khác cũng được CNN nhắc đến là bún chả, bún thường được để lạnh, ăn kèm với thịt nướng, rau thơm và một chút nước mắm giấm pha loãng cùng rau sống

Ngoài bún riêu, du khách khi tới Việt Nam cũng nên thử cao lầu, một món ăn gắn liền với tên tuổi của Hội An. Cao lầu có sợi màu vàng nhạt, dày và ngắn hơn những sợi mì thông thường, ăn kèm tôm, thịt heo xá xíu, tóp mỡ, giá trần, lạc rang, các loại rau sống và ít nước dùng.

"Món cao lầu trông đơn giản nhưng rất kỳ công trong chế biến. Sau khi được nhào thành bột nhão, các sợi cao lầu được cắt lát mỏng và đem hấp để làm cho sợi mì có màu vàng nhạt độc đáo. Thậm chí nhiều quán ăn yêu cầu nước để nấu phải được lấy từ giếng cổ ở Hội An là giếng Bá Lễ," CNN mô tả.

Cao lầu được miêu tả là

Cao lầu được miêu tả là "biểu tượng ẩm thực của Hội An"

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ẩm thực nước ngoài thì mì của châu Á có hương vị đặc biệt, dễ chế biến với các thành phần khác như thịt, rau. Với những ai muốn có trải nghiệm mới thì mì của châu Á tự tin "đánh bại" nhiều món ăn khác trên thế giới.

Góp mặt trong danh sách mì, bún làm từ gạo của CNN còn có những món mì sợi dẹt nổi tiếng như Pad Thái, món mì xào truyền thống và rất nổi tiếng của người dân xứ sở chùa vàng. Thành phần Pad Thái gồm có mì gạo xào với trứng và đậu phụ cùng ớt đỏ, bột me, nước mắm và đường thốt nốt, trộn cùng lạc rang giã nhỏ, tôm tươi hoặc khô, tỏi, hẹ tây... Pad Thái cuốn hút thực khách bởi sợi mì dai ngon, phần nhân tôm và thịt thơm nức cùng nước sốt chua ngọt mang lại một hương vị hài hòa. Du khách có thể bắt gặp món ăn này tại các khu chợ đêm, các nhà hàng từ bình dân đến cao cấp.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Pad Thái

Pad Thái

Malaysia và Singapore cũng có món ăn đặc trưng được CNN khen ngợi là Char kway teow - hủ tiếu xào cay, gồm các nguyên liệu là sợi hủ tiếu dẹt, giá, hành, trứng và tùy từng nơi sẽ phục vụ kèm tôm, lạp xưởng thái mỏng. Theo cách chế biến thông thường, đầu bếp thường xào hủ tiếu trong chảo ở nhiệt độ cao, sau đó trộn cùng nước tương, sốt ớt.

Char kway teow

Char kway teow

Nói về bún gạo sợi nhỏ, ngoài các món bún Việt Nam ra, châu Á còn có nhiều món bún ngon khác như bún gạo Đài Loan, bún qua cầu của Vân Nam hay bún laksa của Malaysia.

Đến xứ sở Đài Loan mà không thưởng thức món bún gạo thì xem như chuyến đi chưa trọn vẹn. Sợi bún Đài Loan thơm và ngon. Cách phổ biến nhất để thưởng thức bún gạo ở Đài Loan là xào với nấm, thịt heo băm nhỏ, cà rốt xắt nhỏ và bắp cải.

Bún gạo Đài Loan

Bún gạo Đài Loan

Còn laksa là món bún nước có nguồn gốc Peranakan - người Hoa định cư dọc eo biển Malacca (Malaysia). Thành phần chính của món ăn gồm bún sợi to, đậu phụ, chả cá, thịt gà, trứng, tôm, sò huyết, giá đỗ... Món này có 4 phiên bản khác nhau: Curry laska có vị béo ngậy và mùi thơm đặc trưng từ cà ri, Asam laksa vị chua cay, Sarawak laksa có mùi thơm từ cá và Nyony laksa có vị ngọt từ nước dùng ninh từ xương. Du khách có thể thưởng thức đặc sản này ở Singapore, Malaysia, Indonesia và Thái Lan.

Laksa

Laksa

Bún qua cầu, hay còn gọi là mì qua cầu, rất nổi tiếng ở tỉnh Vân Nam. Tên gọi "quá kiều mễ tuyến" - bún qua cầu này xuất phát từ một điển tích cổ. Có một anh học trò dùi mài kinh sử trên hòn đảo nhỏ giữa hồ. Hằng ngày, vợ anh mang cơm ra, nhưng từ nhà đến chỗ chồng ngồi học phải đi khá xa, lại phải qua một cái cầu mới sang được đảo, đến nơi thì thức ăn nguội cả. Thương chồng, người vợ mới nghĩ ra một cách là nấu nước dùng trong nồi đất, ninh thịt gà đến khi nước đặc lại, có một lớp mỡ dày nổi ở trên để giữ nhiệt cho nước dùng bên dưới. Bún và thịt gà để riêng sang một bát khác, khi ăn mới thả vào nước. Người chồng ăn bún nóng hổi ngon quá mới hỏi vợ đây là món bún gì. Người vợ nghĩ đến con đường hằng ngày mình đi mà trả lời chồng là món bún qua cầu. Cách ăn bún qua cầu với nước gà ninh đặc, thêm trứng, thịt, cá cùng các loại thảo mộc, gia vị đặc trưng của Vân Nam, vẫn truyền lại đến tận ngày nay.

Bún qua cầu ở Vân Nam

Bún qua cầu ở Vân Nam

Idiyappam là món ăn phổ biến tại Sri Lanka và phía nam Ấn Độ. Thoạt nhìn, idiyappam trông cũng giống sợi bún của Việt Nam, nhưng khác nhau ở hương vị. Món này được làm từ bột trộn cùng nước cốt dừa nên có mùi vị béo, thơm, các sợi idiyappam có độ dai, mịn. Người dân thường ăn idiyappam cùng các loại nước sốt khác nhau hoặc ăn cùng với cà ri nấu từ khoai tây, trứng, cá, thịt...

Idiyappam ăn cùng cà ri bò

Idiyappam ăn cùng cà ri bò

CNN cũng giới thiệu những món mì làm từ lúa mì như mì dan dan Tứ Xuyên, mì hành Thượng Hải, mì dao cạo Sơn Tây, mì lạnh somen, mì ramen và mì udon Nhật Bản, mì Janchi-Guksu Hàn Quốc... Nhiều món mì trứng cũng được liệt kê trong danh sách như mì gậy tre Quảng Đông, mì Xiêm, mì efu, mì xào Chow mein... Ngoài ra, trong danh sách còn có mì soba và mì lạnh naengmyeon làm từ kiều mạch, các loại miến làm từ bột khoai lang, bột dong, bột đậu xanh hoặc bột sắn...

Hương Thảo - Nguồn: CNN
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES