Cơm Việt và những khúc biến tấu

29/11/2013

Cội nguồn của ẩm thực Việt Nam muôn đời nay là gạo. Nguyên liệu giản dị, tinh khiết ấy được chế biến theo nhiều cách khác nhau để giờ đây hội tụ và kết tinh thành những món ăn dân dã mà đầy tinh tế, từ món cơm lam ngọt thơm hương vị núi rừng Tây Bắc đến cơm hến đậm đà của người dân xứ Huế hay cơm niêu, cơm gà nức tiếng của miền Nam…

Bài: Quế Lan, Dương Thủy -  Ảnh: Hồng Hà

Lạ lẫm cơm lam

Cơm lam là món ăn không thể thiếu trong bữa cơm hàng ngày của người dân miền núi Tây Bắc. Là sự kết hợp độc đáo giữa nếp, nứa, củi, lửa, mỗi vùng miền, cơm lam lại có hương vị khác nhau. Cơm lam được nướng trong ống tre, ống nứa, với nguyên liệu được dùng là gạo nếp nương, thường được thu hoạch từ tháng 9 đến tháng 10 âm lịch. Ấy là mùa nếp mới, cơm rất dẻo và thơm ngon. 

 

 

Khi thưởng thức cơm lam, thực khách sẽ dùng dao bóc tách lớp vỏ bên ngoài của ống cho tới khi gặp các lớp màng lụa mỏng màu trắng bọc lấy cơm, dài thành khúc đúng bằng chiều dài ống nứa. Sẽ là một trải nghiệm lạ khi bẻ khúc cơm thành miếng và cảm nhận độ dai dai, mềm mịn của lớp màng lụa mỏng hòa quyện trong từng hạt cơm. Hương vị núi rừng thấm đẫm, hòa trộn trong ống cơm lam nhỏ xinh, vị dẻo thơm của thứ nếp nương, ngọt dịu của nước cốt dừa hòa quyện nhịp nhàng với mùi thơm dịu của tre, nứa, thực sự lay động mọi giác quan.

 

Thưởng thức cơm lam đúng điệu thường bao giờ cũng kèm với gà đồi nướng, bò nướng ống tre và cảm nhận độ mằn mặn, bùi bùi của muối vừng giã nhỏ chấm ăn kèm. Bạn hãy thử một lần lên Tây Bắc, trong cái se lạnh đầu đông, cùng bạn bè ngồi quanh bếp lửa và nhâm nhi rượu cần, thưởng thức món cơm lam nướng thơm ngon. Nếu ở Hà Nội, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn đậm chất núi rừng này mỗi khi nhớ tới cái lạnh sương giăng mây phủ vùng cao.

Cơm lam Pác Bó

  • 437 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội
  • Tel: 04. 3718 2017

Mộc mạc cơm hến

 

Nói đến những món ăn ngon từ hến, ai cũng biết món cơm hến mộc mạc, thanh đạm vang danh của người dân xứ Huế. Cơm hến giống như một món trộn với những nguyên liệu phong phú mà giản dị. Cơm nguội được đánh tơi, nấu từ thứ gạo ngon nên vẫn mềm dẻo. Những con hến bé xíu (ngon nhất là hến ở Cồn Hến!) được trộn với cơm, ăn kèm là các loại rau như xà lách, húng thơm, hoa chuối, khế chua, rau răm... thêm đậu phộng rang vàng nguyên vỏ, một vài lát da heo chiên phồng, hành phi và cuối cùng là mắm ruốc Huế. Tất cả đều để nguội duy có nước hến luôn được giữ nóng hổi để sau khi trộn các thành phần, chan nước hến là sẽ có ngay món cơm cay giòn, đúng vị. 

 

 

Cơm hến thường được ăn với ớt thật cay đúng như khẩu vị của người dân xứ Huế. Vị đậm đà của mắm ruốc, chua chua của khế dậy mùi rau thơm, vị béo ngậy của da heo chiên hòa quyện cùng nước hến luôn được giữ nóng để món cơm nóng hổi, thơm nồng, mang hương vị đậm đà, chân quê đầy quyến rũ.

Quán cơm hến

  • 2 Trương Định, TP. Huế

Độc đáo cơm niêu

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thuở xưa, khi các sản phẩm đồ gang, nhôm, inox được xem là xa xỉ trong những bữa cơm, người dân việt khu vực đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu nấu cơm bằng niêu đất hay nồi đất. Do vậy, cơm niêu là món ăn dân gian quen thuộc của người dân xưa.

Tương truyền, khi đưa vào triều đình phục vụ cho vua, chúa Nguyễn, sợ cái niêu vua ăn bị kẻ khác “phạm húy” vì vậy, mỗi khi vua dùng xong, vị ngự thiện đã thẳng tay đập niêu cơm để không ai được tái sử dụng. Cái tên cơm đập cũng từ đó ra đời.

 

 

Điểm lý thú của cơm niêu là nấu trong lò đất, lửa than thì cơm rất thơm ngon. Sau nhiều nghiện cứu phục hồi ẩm thực xưa, cơm Niêu đã tạo dấu ấn thương hiệu riêng cho nhà hàng. Loại gạo đặc sản được dùng trong việc nấu cơm niêu rất công phu, cầu kỳ. Khi cơm được nấu trên than củi cho đến khi lật bật sối nắp và cạn nước, đầu bếp phải nhanh chóng vùi trong tro, than nóng để cơm chín. 

Món cơm đập cũng có cách nấu tương tự nhưng lửa phải lớn hơn một chút để có thể tạo ra một lớp cơm cháy vàng xung quanh nồi đất. Đặc biệt, khi gọi hai món cơm này, bạn sẽ được chứng kiến màn biểu diễn rất điệu nghệ của nhân viên khi tung và hứng món “cơm cháy bay”. Một người bên đây sẽ tung và một người bên kia đập cơm, trông rất đẹp mắt, thú vị.

 

Cơm Niêu cơm đập ăn kèm với món nào cũng ngon. Thậm chí có du khách chỉ bước vào quán, gọi niêu cơm đập ra ăn với nước mắm kho quẹt, vậy mà ngon miệng vô cùng…

Cơm Niêu Sài Gòn

  • 59 Hồ Xuân Hương, Phường 6, Quận 3, TP.HCM
  • Tel: (08) 3930 2888

Cơm gà Hội An

 

Được biết tới là món ăn quen thuộc của phố cổ, cơm gà Hội An đặc biệt hấp dẫn du khách với hạt cơm dẻo, săn, được trộn cùng nước nghệ. Gà được chọn để chế biến là loại gà ta, thịt chắc nhưng mềm, da mỏng và thơm. Khi bày ra đĩa, đầu bếp thường đặt gà xé phay lên mặt cơm, kèm theo một ít rau thơm Trà Quế, hành tây, dưa góp, bên cạnh là các gia vị ăn kèm như tương ớt Hội An, xì dầu, tỏi ớt…

 

 

Khi thưởng thức cơm gà Hội An, bạn sẽ luôn cảm nhận được hương vị mặn mà, cay cay rất riêng trong bức tranh đầy màu sắc ấy. Màu vàng tươi của từng hạt cơm, đượm màu hồng nhạt của thịt gà xé, hòa quyện với sắc hồng, trắng, một góc xanh lá của những thức rau, gia vị đi kèm, khiến thực khách sẽ phải tấm tắc khen mỗi lần thưởng thức.

Cơm gà Bà Buội

  • 22 Phan Chu Trinh, TP. Hội An

Cơm gà Hội An

  • 1A Cửa Đông, Hoàn Kiếm, Hà Nội
  • Tel: 04. 3923 3728.

Cơm tấm Sài Gòn

Với người Sài Gòn xưa, tấm là những hạt gạo bị gãy nát trong quá trình xay xát. Với sự sáng tạo theo thời gian, tấm được nâng lên thành một món ăn hấp dẫn mang tên gọi mộc mạc, đơn giản “Cơm tấm”.

Cơm tấm thường được ăn kèm với  sườn cốt lết heo nướng mật ong là ngon nhất. Để dĩa cơm bắt mắt và sang trọng, ngoài việc lựa tấm ngon để nấu đúng cách, các nhà hàng còn bài trí kèm bì heo trộn thính phi tỏi thật thơm. Người ta còn làm thêm món chả, chủ yếu từ thịt xay nhỏ trộn trứng vịt đánh nhuyễn, nêm thêm gia vị cùng nấm mèo xắt nhỏ, bún tàu để món chả dẻo hơn. Món chả này được hấp trong xửng và được cắt khéo léo cho dĩa cơm càng bắt mắt. Có nơi còn chiên trứng ốp la hoặc lạp xưởng tươi ăn kèm.

 

 

Ăn cơm tấm muốn ngon phải có dưa rau muống muối chua ngọt cùng vài loại khác ăn kèm. Nhưng để cơm tấm chính là cơm tấm thường bao giờ cũng có nước mắm … chuyên dùng. Đây là bí quyết của mỗi quán để thu phục bao thực khách. Thú vị hơn, cơm tấm cũng là món ăn lọt vào danh sách 10 món ngon cần phải biết của Sài Gòn hoa lệ do du khách quốc tế bình chọn.

Cơm Tấm Mộc

  • 85 Lý Tự Trọng, Quận 1, TP.HCM 
  • Tel (08) 3824 8561
  • Website: www.comtammoc.com

Cơm gà bà Luận

Sài Gòn có nhiều quán cơm gà quay, gà luộc theo phong cách Hoa rất nổi tiếng. Tuy nhiên, cơm gà bà Luận Tam kỳ được ghi nhận là ngon nhất. Thương hiệu này được định vị trong lòng công chúng với hơn 50 năm phục vụ.

Để chế biến món cơm gà đúng chất Tam Kỳ xứ Quảng, gia đình bà Luận đích thân đặt mua gà nuôi tại Tam Kỳ, toàn bộ gia vị cũng được mua từ miền Trung đưa vào, sau đó với sự chăm chút từ cách chế biến đến gia vị theo đúng truyền thống gia đình thật cẩn trọng. 

 

 

Cơm gà bà Luận đã giữ cho món ăn này một tuyệt chiêu riêng. So với cơm gà của người Hoa, cơm gà bà Luận Tam Kỳ khác hoàn toàn ở phương pháp chế biến. Gà luộc một lần là hoàn tất chứ không dùng cách ba sôi hai lạnh như cơm gà phổ biến ở thành phố. 

Thưởng thức cơm gà Bà Luận, thực khách sẽ rất thú vị với nhiều món ăn ngon như: Gà chặt lá chanh, gà xé trộn rau thơm, gà kho gừng, gà xào xả, ớt, gà chiên (chiên bơ, chiên nước mắm). 

Hiện nay, ngoài đặc sản gà Tam Kỳ mang đậm hương vị xứ Quảng, gia đình bà Luận còn giới thiệu cho dân sành ăn ở thành phố các món gà đặc sắc khác giúp khách có thêm nhiều lựa chọn.

Cơm gà Bà Luận

  • 21 Phó Đức Chính, Quận 1, TP.HCM
  • Tel: 08 3914 7567
RELATED ARTICLES