Cuối tuần đạp xe qua phố cổ Hội An

29/05/2020

Nếu đã từng đến với Hội An chắc hẳn ai cũng thích cái cảm giác cổ kính, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sầm uất. Đạp xe lang thang trên những con phố cổ là một trải nghiệm thú vị và chưa bao giờ bớt sức hấp dẫn với du khách ở đây.

NGÀY THỨ BẢY

Thong dong trên những con đường phố hội buổi sớm, chiếc xe đạp sẽ đưa bạn đến với vô số điều thú vị. Bạn có thể chạy theo gánh hàng rong, dừng lại bên lề đường ăn một ổ bánh mì hay vừa nhâm nhi ly cà phê nóng vừa nhìn dòng người bắt đầu xuôi ngược. Hay chỉ đơn giản là hít hà căng tràn lồng ngực bầu không khí trong lành và tận hưởng những phút giây yên tĩnh nhất trong ngày cũng đã cảm thấy thỏa mãn lắm rồi.

Empty
Empty
Empty
Empty

Sau bữa sáng, bạn có thể thoải mái đạp xe dạo quanh phố cổ để khám phá những nét đẹp của thị trấn này. Một trong những địa điểm thu hút du khách nhất ở đây là làng Minh Hương, nơi có chùa Ông (hay còn gọi là Quan Công Miếu). Được xây dựng vào năm 1653, chùa Ông có kiến trúc uy nghi, hoành tráng, tại đây thờ Quan Vân Trường (một biểu tượng về trung - tín - tiết - nghĩa). Chùa Ông đã từng là trung tâm tín ngưỡng của Quảng Nam xưa, đồng thời cũng là nơi các thương nhân thường lưu đến để cam kết trong việc vay nợ, buôn bán, làm ăn và xin xăm cầu may.

Empty
Empty
Empty

Tụy Tiên Đường ở làng Minh Hương cũng là một di tích tiêu biểu và có ý nghĩa nhất định trong lịch sử phát triển của thương cảng Hội An xưa. Di tích này được xây dựng vào khoảng cuối năm 1725 và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Đây là nơi thờ các vị tiền hiền, hậu hiền sáng lập làng Minh Hương vào thế kỷ XVII, XVIII gồm Thập lão, Lục tánh, Tam gia và các vị tiền nhân đã qua đời. Di tích có kết cấu gồm tiền đường, nhà đông, nhà tây, hậu tẩm, mái lợp ngói âm dương, các chi tiết kiến trúc đều được chạm trổ sắc sảo theo nhiều đồ án văn hóa truyền thống. Di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1993.

Empty
Empty
Empty
Empty

Trên phố, nhiều bạn gái thướt tha áo dài và nón lá để chụp ảnh bên những nếp nhà cổ vẫn giữ nguyên vẹn kiến trúc độc đáo như nhà cổ Quân Thắng, nhà cổ Tấn Ký hay nhà cổ Phùng Hưng. Được xây dựng cách đây trên 200 năm, nhà cổ Tấn Ký có kiểu kiến trúc hình ống - đặc trưng của loại nhà phố Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hoá. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được trạm trỗ, điêu khắc rất tinh xảo các hình về giao long, hoa quả, bát bửu, dải lụa... thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Năm 1990, nhà cổ Tấn Ký đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Empty
Empty

Một điểm đến khác, Chùa Cầu (hay còn gọi cầu Nhật Bản), biểu tượng chính thức của Hội An, là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Cầu dài 18 m với 7 gian bằng gỗ, vắt qua lạch nước chảy ra sông Hoài (một nhánh sông Thu Bồn). Cầu uốn cong mềm mại và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo, trên cửa chính chạm nổi 3 chữ Hán “Lai Viễn Kiều” nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến. Trên cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Bắc Đế Trấn Vũ. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó ngồi chầu.

Nhưng hãy lưu ý rằng bạn không được đi xe đạp lên cầu nhé!

Empty
Empty
Empty

Hội quán người Hoa là một phần đặc biệt quan trọng trong di sản kiến trúc của Hội An. Trong số các hội quán cổ, hội quán Phúc Kiến là công trình nổi bật nhất bởi vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ, uy nghiêm trong một không gian rộng lớn, mang phong cách kiến trúc đặc sắc của người Phúc Kiến. Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà Chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài... thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người. Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử - văn hoá quốc gia năm 1990.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty

Khi đạp xe trong thị trấn, bạn cũng có thể mua cho mình vài món đồ may mặc, sản phẩm được coi như một “đặc sản” của Hội An. Bạn hoàn toàn có thể đưa hình mẫu sản phẩm bạn yêu thích để yêu cầu thợ may, hoặc cũng có thể tham khảo ý kiến của chính những người thợ may này. Ngoài ra, trong hành trình khám phá Hội An, bạn cũng đừng bỏ qua nhiều món đồ được bán sẵn với giá cả hợp lý cùng chất lượng tốt.

Empty

Đừng quên dành ra chút thời gian buổi tối để đi dạo chợ đêm Hội An, một nơi cực kỳ lộng lẫy với những quầy hàng lưu niệm dọc theo bờ sông. Bên cạnh những quầy hàng lưu niệm đa dạng, phong phú này thì bên sông còn có những quán ăn vỉa hè với đủ các món nổi tiếng của phố hội như cao lầu, mỳ Quảng, bánh xèo… ngon với giá cả phải chăng.

Empty

Một món đặc sản mang tính biểu tượng của Hội An là cao lầu, mang hương vị đặc trưng của phố hội. Sợi cao lầu được chế biến từ bột gạo ngâm với nước tro từ đảo Cù Lao Chàm và nấu với nước giếng Bá Lễ, ăn với nước thịt xíu, giá đỗ và rau sống của làng rau Trà Quế.

Vì thế, dù quanh chợ đêm cho vô vàn hàng quán để bạn lựa chọn, thì trước hết hãy cứ ăn một bát cao lầu đã!

Empty

NGÀY CHỦ NHẬT

Hãy bắt đầu một buổi sáng yên bình khám phá thị trấn xinh đẹp này với việc thức dậy sớm, ghé thăm chợ Hội An. Đừng quên mang theo máy ảnh bởi vì đây là dịp duy nhất bạn có thể bắt trọn được những khoảnh khắc yên bình mà không kém phần nhộn nhịp, sầm uất của người dân địa phương.

Empty
Empty
Empty
Empty

Sau khi ăn một bát mỳ Quảng, bạn có thể thoải mái khám phá một trong những làng nghề thủ công gần đó chuyên về đồ gỗ hoặc đồ gốm. Nếu bạn muốn mua quà cho gia đình và người thân thì đây sẽ là thời gian thích hợp. Hầu hết các món đồ lưu niệm ở đây được sản xuất tại Trung Quốc, do đó bạn nên mua các sản phẩm thủ công của Hội An sẽ mang lại giá trị tinh thần hơn hẳn.

Rời khỏi trung tâm phố cổ, chỉ vài phút đạp xe là bạn sẽ thấy mình được bao bọc giữa những cánh đồng lúa, ao tôm và những con trâu đang gặm cỏ hai bên đường. Hãy dừng chân tại làng gốm Thanh Hà hay những khu vườn Trà Quế, nơi nổi tiếng bởi một lớp học nấu trà sử dụng các loại thảo mộc hữu cơ thơm ngon, chiếc xe đạp gọn nhẹ sẽ giúp bạn dễ dàng di chuyển khắp nơi, luồn lách vào vào những ngõ nhỏ thuận tiện hơn. Nếu mỏi chân có thể tạt vào quán quen đường nghỉ ngơi và thưởng thức món chè bắp, sữa bắp nổi tiếng để giải khát.

Empty

Hoặc bạn có thể tiếp tục đạp xe tới những bãi biển gần đó như bãi Cửa Đại hoặc bãi An Bàng nếu bạn muốn tắm biển dưới nắng chiều. Là một trong 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh do kênh truyền hình CNN Go bình chọn, biển An Bàng trải dài bên bờ cát mịn màng và hàng dừa xanh ngắt, sẽ là một sự lựa chọn thú vị cho một chiều cuối tuần thật đẹp.

Khi trời về chiều, hãy đạp xe quay trở về phố cổ để ngắm hoàng hôn trên những mái nhà rêu phong. Ánh nắng dần tắt, những con đường bắt đầu sáng ánh đèn lồng, con sông Hoài dần nhộn nhịp với những chiếc ghe xuôi ngược, những bạn trẻ thả hoa đăng, những cặp đôi chụp ảnh cưới hay những du khách đi dạo ngắm phố phường…

Empty

Bạn không thể rời khỏi Hội An mà không thử hết trong những đặc sản tuyệt vời của thành phố này như cơm gà và cao lầu. Hai món ăn này đều luôn có sẵn tại các nhà hàng sang trọng cũng như các quầy hàng bên đường. Cơm gà ở Hội An khá nổi tiếng bởi hương vị thơm bùi, và cao lầu có lẽ sẽ chỉ ngon khi bạn ăn ở Hội An mà thôi.

Empty

Sau khi ăn xong bữa tối, bạn hãy đi dạo quanh phố cổ để tận hưởng không khí sôi động, nhộn nhịp dưới những chiếc đèn lồng sặc sỡ của Hội An tối cuối tuần nhé.

Empty
Empty
Empty
Empty

Nếu mỏi chân, hãy bạn có thể ghé vào một quán cà phê. Hội An có nhiều quán cà phê thú vị như Reaching Out, nơi bán những món đồ gia dụng tuyệt đẹp được những người khuyết tật làm thủ công tại chỗ; hay Hội An Roastery, quán không chỉ có cà phê mà phục vụ cả bánh ngọt, nước ép ngon cùng loại bia có nguồn gốc đặc biệt.

Empty

Chỉ hai ngày khám phá Hội An, vậy là cũng đủ để bạn có được những trải nghiệm yên bình nhưng cũng không kém phần thú vị. Sắp tới, sau khoảng thời gian giãn cách xã hội, Hội An đã tái mở cửa hoạt động du lịch, miễn phí vé tham quan để thu hút du khách đến tham quan phố cổ. Từ 1/6, các hoạt động phố đêm, phố đi bộ, các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật tại khu phố cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà và làng rau Trà Quế sẽ đi vào hoạt động trở lại, hứa hẹn tạo ra sản phẩm văn hóa, du lịch hấp dẫn du khách.

Địa điểm thuê xe đạp ở Hội An

Là dịch vụ đã phát triển từ lâu ở Hội An nên việc thuê xe đạp để tham quan khám phá rất dễ dàng. Bạn có thể sử dụng dịch vụ cho thuê xe đạp của khách sạn hoặc nhờ nhân viên phục vụ hỗ trợ. Nếu bạn chỉ đến Hội An chơi và đi về trong ngày thì có thể thuê xe ở hàng anh Trung (15/1 Trần Hưng Đạo), cô Phong (số 1 Lê Lợi)… Giá cả thuê xe đạp ở Hội An cũng khá rẻ với nhiều ưu đãi để khuyến khích du khách đạp xe, không chỉ thuận tiện cho việc di chuyển mà còn góp phẩn bảo vệ môi trường.

Hương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES