Du lịch ảo châu Phi trong dịch Covid-19

31/07/2020

Các quốc gia châu Phi đang tạo cơ hội du lịch cho khách từ khắp nơi trên thế giới và thậm chí thực hiện tour tham quan safari ảo trong mùa dịch Covid-19. Đây có phải là giải pháp hợp lý nhằm thỏa mãn đam mê du lịch của người yêu thiên nhiên hoang dã?

Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành du lịch của các quốc gia ở châu Phi thất thu. Công viên và khách sạn đều vắng khách vì người dân phải thực hiện lệnh cách ly xã hội. Do đó, một số hiệp hội du lịch châu Phi đã có ý tưởng “tiếp tế” cho du khách những ấn tượng kỹ thuật số về lục địa này trong khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

SAFARI TẠI NHÀ

Mặt trời ló lên từ từ trên đường chân trời của thảo nguyên châu Phi. Dưới ánh nắng ban mai, một gia đình voi đang lang thang trên cánh đồng cỏ để tìm hố nước gần nhất. Từng đàn linh dương và ngựa vằn đang di chuyển qua vùng hoang dã, những con chim đang hót líu lo…,báo hiệu sẽ có một ngày nắng nóng. Quang cảnh này đưa du khách đến Khu Bảo tồn Sabi Sand ở tỉnh Mpumalanga - một trong những địa điểm dã ngoại nổi tiếng nhất ở Nam Phi, trông có vẻ rất thật. Nhưng thực tế, du khách đang ở nhà mà vẫn thực hiện được chuyến dã ngoại qua chiếc điện thoại thông minh hoặc máy tính bảng… chứ không phải trên xe jeep. Ảo hay thật, mỗi chuyến đi đều khác nhau, làm tăng thêm niềm vui, thêm sự trải nghiệm.

Safari ở Kenya

Safari ở Kenya

Tham quan một safari ở Kenya, đi dạo trên sa mạc Namib ở Namibia, lượn dù ở Nam Phi hoặc đứng bên rìa thác Victoria ở biên giới giữa Zambia và Zimbabwe - tất cả đều được những du khách ảo như Juan Santiago (đến từ thủ đô Madrid, Tây Ban Nha) trải nghiệm và tận hưởng. Ông Juan Santiago đã đến Kenya một vài lần vào thời điểm này trong năm để quan sát sự di cư của linh dương đầu bò ở Khu Bảo tồn Maasai Mara - một trong những kỳ quan của thế giới. Năm nay thì khác, thay vì đến Kenya, ông Juan Santiago đang có chuyến tham quan ảo tại Công viên Quốc gia Nairobi. “Ở nhà, tôi vẫn có không khí safari tại công viên này. Mọi thứ diễn ra như thật. Sau dịch Covid-19, ngay cả khi gia đình tôi du lịch ở Kenya mà không có tôi, công nghệ này giúp tôi đồng hành cùng họ.” Ông Juan Santiago nói.

Kenya đã mất hơn 750 triệu USD (656 triệu EUR) doanh thu du lịch từ khi nước này có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. “Đó là lý do Tổng cục Du lịch vừa ra mắt chương trình truyền phát trực tiếp (livestream) về safari ảo vào tháng 6 - một phần của chiến dịch Magic Awaits (Sự kỳ vọng) nhằm quảng bá du lịch và kết nối thế giới với Kenya khi mỗi quốc gia đều hạn chế việc di chuyển trong thời dịch Covid-19. 16 điểm du lịch khác nhau ở Kenya đang được livestream. Mọi người có thể trực tuyến và tìm những nơi họ muốn tham quan. Đây là cơ hội để chúng tôi thể hiện Kenya là quốc gia du lịch tuyệt vời.” Bà Betty Radier, Giám đốc điều hành của Tổng cục Du lịch Kenya trả lời phỏng vấn với DW.

“Yêu xa”

Chiến dịch We Are Worth Waiting For (Chúng tôi đáng được chờ đợi) đang được phát động ở Cape Town, Nam Phi, giúp du khách tận hưởng các tour ảo trên đảo Robben với nhà tù cũ và núi Bàn. Ông Enver Duminy, Giám đốc điều hành của Du lịch Cape Town ví thời kỳ này như thể “yêu xa”. “Trong suốt đại dịch Covid-19, chúng tôi sử dụng công nghệ tải hình ảnh về những gì du khách đang mong đợi, về những gì du khách đã trải nghiệm lần cuối ở Cape Town lên mạng xã hội và trong các chiến dịch nhằm nhắc khéo du khách vì sao họ thích khám phá nơi này ngay từ đầu. Và hy vọng, công nghệ hỗ trợ chúng tôi kết nối và duy trì “mối tình yêu xa” của du khách.” Ông Enver Duminy cho biết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ông Gerald Ferreira, người sáng lập Công ty Thực tế ảo ở Nam Phi nói: “Du lịch ảo là cơ hội tuyệt vời để du khách trải nghiệm trước khi quyết định đến một nơi hay chơi trò mạo hiểm nào đó, như nhảy bungee chẳng hạn”.

Du khách nhảy bungee ở Nam Phi

Du khách nhảy bungee ở Nam Phi

Theo số liệu sơ bộ từ Tổ chức Du lịc Thế giới của LHQ (UNWTO), 74% quốc gia châu Phi tạm dừng đón du khách vào đầu tháng 6. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, châu Phi là khu vực phát triển du lịch nhanh nhất. Năm 2018, khoảng 67 triệu du khách đã đến tham quan lục địa này, mang lại doanh thu 38 tỷ đô la. Năm 2019, số lượng du khách tăng 4,2%. Năm 2020, có thể ở mức tăng 3-4%.

Khi virus corona xuất hiện, Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) ước tính số người bị mất việc làm trong ngành du lịch của châu Phi là gần 8 triệu. Giải pháp cấp bách đối với du lịch châu Phi là cần thiết. Liệu du lịch ảo có thể thay thế du lịch thật?

Tương lai của du lịch ảo

Khi dịch Covid-19 bắt đầu xảy ra, ông Juan Santiago ở thủ đô Madrid, Tây Ban Nha đã có cái nhìn ảo về bộ sưu tập khảo cổ nổi tiếng trong Bảo tàng Quốc gia Nairobi, Kenya. Ông tin vào tương lai của du lịch ảo. “Một ngày nào đó, tất cả chúng ta sẽ thấy hươu cao cổ ở Nairobi trên khắp thế giới; đi làm lúc 8 giờ và xem nó trên màn hình trực tiếp trong văn phòng. Điều này tốt cho việc bảo tồn thiên nhiên bởi vì những người yêu thiên nhiên như tôi sẽ quyên góp tiền để bảo tồn hươu cao cổ, tê giác hoặc voi.” Ông Juan Santiago cho biết.

Chú voi con ở safari

Chú voi con ở safari

Patrick Karangwa, nhà khoa học máy tính cung cấp các tour ảo ở thủ đô Kigali, Rwanda nói với DW: “Tôi không cạnh tranh với du lịch truyền thống, mà chỉ xem mình là một đối tác. Tôi giúp du khách lâu ngày không đi tour có thêm thông tin về địa điểm mà họ muốn đến. Điều này có lợi cho doanh nghiệp du lịch, khách sạn, nhà hàng nói riêng và ngành công nghiệp không khói nói chung”.

Trong một vài tuần tới, tour trọn gói đầu tiên từ châu Âu sẽ đến Rwanda kể từ khi có dịch Covid-19. Kenya sẽ đón du khách từ ngày 1/8. Ngành du lịch của Nam Phi hy vọng có thể hoạt động lại từ tháng 9/2020. Tuy nhiên, điều này có thật sự xảy ra hay không vẫn chưa chắc chắn vì hiện nay số người nhiễm virus corona ở châu Phi đang gia tăng.

Du khách “cuồng chân” chỉ có thể hy vọng các tour đến châu Phi sẽ được thực hiện khi dịch Covid-19 sớm biến mất. Những người hài lòng với du lịch ảo cũng sẽ được thỏa mãn niềm đam mê.

Hương Thảo - Nguồn: DW
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES