Hồn bếp Thái trong vị sả

24/10/2016

Người Thái yêu sả như họ yêu ớt, từ đó đã tạo nên nét độc đáo trong nền ẩm thực xứ chùa Vàng.

Nhưng không chỉ riêng trong ẩm thực, loài cây gia vị này xuất hiện rất nhiều trong đời sống thường ngày của người Thái. Họ trồng sả quanh nhà, từ những mái nhà tranh vùng nông thôn hay những khu villa sang trọng để tránh muỗi và côn trùng. Họ chiết xuất tinh dầu sả làm dược phẩm, làm hương liệu cho mỹ phẩm, cho các liệu pháp thư giãn truyền thống. Họ uống trà thơm đun lên từ than cây sả. Họ đưa sả vào hầu hết các món ăn hàng ngày. 

 

 

Sả là loại cây gia vị được trồng nhiều ở vùng Đông Nam Á, được sử dụng phổ biến trong ẩm thực Thái Lan và Việt Nam. Hai nền ẩm thực này tuy gần nhau về nguyên liệu nhưng lại khác xa nhau về cách kết hợp, tạo nên hai dấu ấn đặc trưng khiến các du khách phương Tây mê mẩn và đem lòng yêu mến. Nếu ẩm thực Việt Nam thanh tao dịu nhẹ, chú trọng vào nguyên liệu tươi ngon, hài hòa thì các món ăn Thái thường được miêu tả là bùng nổ, cay nồng. Và sả đóng một vai trò rất quan trọng trong bức tranh nhiều hương vị đó của nền ẩm thực Thái Lan. 

 

Các món ăn Thái thường được miêu tả là bùng nổ, cay nồng. Và sả đóng một vai trò rất quan trọng trong bức tranh nhiều hương vị đó của nền ẩm thực Thái Lan.

 

 

Không một vị du khách nào có thể bỏ qua Tom Yum – món canh chua cay của xứ sở chùa Vàng. Tom Yum ngoài vị cay từ ớt, vị chua từ nước cốt chanh tươi còn có một mùi hương đặc trưng của sả. Thế nhưng ít ai biết, hầu hết các món canh hải sản như cá, tôm, sò… của người Thái đều không thể vắng bóng cây sả. Sả được chẻ thành khúc ngắn, đập dập và đun sôi trước khi đầu bếp cho bất cứ một nguyên liệu nào khác để tạo ra một nồi nước dùng thơm ngon đậm đà. 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Hay như món cà ri, tuy không nổi tiếng với khách du lịch bằng những món ăn chua cay lại xuất hiện rất thường xuyên trong các bữa cơm hàng ngày của người Thái. Người Thái ăn cà ri như canh và dùng cà ri như một loại hỗn hợp gia vị để xào nấu. Các món canh cà ri nước của người Thái không có hương vị nồng đậm như của Ấn Độ, mà chú trọng vào chất liệu, cấu trúc mượt mà bằng cách sử dụng nước cốt dừa. Các lá gia vị như tiêu xanh, lá húng, sả được nấu không quá kĩ để giữ được hương vị tươi mới. Với các món chiên xào, gia vị cà ri được chế biến bằng cách giã nhuyễn các loại rau gia vị, tỉ lệ nguyên liệu khác nhau sẽ tạo ra những gia vị cà ri có màu sắc, mùi vị phù hợp với từng nguyên liệu thực phẩm khác nhau. 

 

 

Một trong những món ăn được ưa chuộng nhất là Pad Gung Gaeng Moo Korb, thịt lợn chiên giòn xào với cà ri đỏ, một món ăn được ví như tình yêu, vừa gây thương nhớ, vừa gây “đau khổ”. Bởi, vị cay của ớt, vị thơm nồng của sả, cùng với các loại gia vị đặc trưng khác của ẩm thực Thái Lan như tỏi, rau mùi, hạt tiêu, hành khô… đã tạo nên một sự bùng nổ hương vị ngay từ trong mùi hương. 

 

 

Cuối cùng, người Thái ăn sả không cần qua nấu chín trong cả các món trộn. Khao Yam, một món cơm trộn có xuất xứ từ vùng Bắc Thái, là một ví dụ. Theo truyền thống, Khao Yam được chế biến ngẫu nhiên bằng bất cứ nguyên liệu nào mà người Thái có trong vườn nhà, xoài chua nạo sợi, tôm khô giã bông, dừa bào nhỏ sấy khô (coconut flakes), giá đỗ, chút rau thơm… và thành phần bắt buộc không thể thiếu: sả thái nhỏ. Những vòng sả mỏng dính được cắt ngược từ búp sả lên đến phần thân sả để đảm bảo độ mềm, chút hương thơm hăng hắc và vị ngọt tự nhiên sẽ là kết đẹp cho một món ăn hấp dẫn này. 

Mỗi khi đi nhà hàng Thái yêu thích, anh đầu bếp quen không bao giờ quên đặt ngay ngắn vào trong bát của tôi một bông hoa đậu biếc được ngắt ngay ngoài vườn nhà. Đó như minh chứng cho sự ân cần đã làm tôi phải lòng với đất nước và con người nơi đây.

 

Bạn có thể thưởng thức hương vị ẩm thực Thái Lan tại:

TP. Hồ Chí Minh:

  • Hệ thống nhà hàng Tuk Tuk Thai Bistro
  • Hệ thống nhà hàng Lạc Thái

Hà Nội:

  • Hệ thống nhà hàng Sawasdee
  • Hệ thống nhà hàng Gusto Thai

 

Bài và ảnh: Dương Vũ Hoàng Anh

 

RELATED ARTICLES