Lãng đãng Bà Nà

10/04/2013

Đến Đà Nẵng, ngao du rặng núi được bao quanh bởi bao câu chuyện tâm linh huyền thoại cùng nhiều hang động kỳ thú trong cái lạnh se sắt, mới thấy Bà Nà lãng đãng nên thơ. Không gian xanh ngắt hòa cùng những áng mây vờn quanh như các dải lụa bạch mơ màng nơi đây thật xứng danh là “Đà Lạt của miền Trung”.

Bài và ảnh: Dương Thủy

TỪ CÂU CHUYỆN XƯA

Từ bãi bắc bán đảo Sơn Trà, chúng tôi phải mất hơn 1 giờ xe chạy hết quãng đường 55km mới chạm ngõ khu vực cáp treo Bà Nà để lên đỉnh núi. Tuấn - người bạn gốc Đà Nẵng, một thành viên trong nhóm hào hứng kể về địa danh ngọn núi “có Bà mà không có Ông” như sau: Thực ra, tên gọi Bà Nà mới được ghi nhận vào đầu thế kỷ 20 do một đại úy Pháp có tên là Debay, người đã tìm ra Sapa, Tam đảo, Ba Vì phát hiện. Ngày ấy, ông nhận nhiệm vụ tìm kiếm những thắng cảnh có không khí mát mẻ để các viên chức toàn quyền Pháp xây dựng khu nghỉ dưỡng vui chơi. Đến Đà Nẵng bằng tàu thủy, khi thuyền còn ngoài biển khơi rất xa ngó vào lục địa, Debay đã nhìn thấy một ngọn núi rất cao như chiếm cả phương trời và oai vệ như một vị Chúa tể khoe mình trong nắng sớm.

Trong những ngày vất vả xuyên rừng tìm đường lên đỉnh núi, Debay gặp nhiều người Bana cũng trèo rừng lội suối lên đỉnh tìm thuốc quý. Ông để ý, bữa ăn của họ chủ yếu là những quả chuối chín thơm của cả vạt rừng phủ xanh cả một rặng núi. Ghi dấu lại mối duyên gặp gỡ những người Bana cùng món chuối chín ngọt ngon đã giúp đoàn tùy tùng qua cơn đói, viên đại úy đã khoanh son đỏ thắm trong bản đồ ghi chú nơi này mang tên là “Banana hills”, với “banana” nghĩa là chuối. Do phát âm bằng tiếng Việt khá khó khăn, sau này người ta đọc trại thành Bà Nà cho dễ nhớ.

Theo sử liệu, Debay thám hiểm Bà Nà vào năm 1901. Nhưng phải đến mùa thu năm 1912, người Pháp mới tiến hành quy hoạch và xây dựng đường xá, tìm đường lên đỉnh. Lại thêm 8 năm ròng rã nữa, những biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên mới xuất hiện trên đỉnh Bà Nà, lúc này thuộc quyền quản lý của một vị luật sư khá nổi tiếng trên đất Đông Dương là ông Beisson, nhưng hiện nay dấu tích khu biệt thư này hầu như đã bị xóa sổ.

LÊN ĐỈNH BẰNG CÁP TREO KỶ LỤC THẾ GIỚI

Cáp treo Bà Nà đã lập hai kỷ lục Guinness thế giới (Tuyến cáp treo một dây dài nhất thế giới [5.042,62m] và có cao độ chênh lệch giữa ga trên và ga dưới lớn nhất thế giới [1.291,81m]). Dù được biết trước như vậy, tôi vẫn hơi choáng khi lần đầu nhìn thấy hệ thống cáp treo khổng lồ ẩn hiện trong mây đang vùn vụt đưa khách lên xuống. Tranh thủ mua vé và lần lượt bước vào khoang, những ô cáp đủ mọi sắc màu sắc sỡ mà nhìn xa giống như những viên bi vuông, như bay bổng lướt nhanh lên đỉnh.

Càng lên cao, không khí càng loãng dần và mây trắng từ đâu ào đến khiển tất cả không thể nhìn thấy gì trong vòng bán kính 3m. Lặng im trong ô cáp, mọi người như cùng nín thở mơ màng khua tay với mây để thấy mình như đang trôi trong khoảng không bềnh bồng.

Dọc đường mà tuyến cáp đi qua, rừng cây trải dài mênh mông với những sắc xanh làm cả nhóm chúng tôi nhìn không chán mắt. Thi thoảng vài cây với sắc lá đỏ bao phủ, nhìn từ xa cứ ngỡ là một bông hoa đỏ rực khổng lồ khoe sắc nhìn khá vui mắt. Càng lên cao, không khí càng loãng dần và mây trắng từ đâu ào đến khiển tất cả không thể nhìn thấy gì trong vòng bán kính 3m. Lặng im trong ô cáp, mọi người như cùng nín thở mơ màng khua tay với mây để thấy mình như đang trôi trong khoảng không bềnh bồng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trên tuyến cáp dài hơn 5km cùng độ cao khoảng 1.500m để bay lên đỉnh, tôi nhận ra: Khi ô cáp đi qua độ cao trong khoảng chừng 500m thì hệ thống thực vật mọc theo triền núi lại thay hình đổi dạng về thân, lá rất rõ mà mắt thường có thể phân biệt được. Ngồi trong ô cáp, mắt thấy mây vụt qua nhanh và để lại bầu trời quang đãng. Lúc này, đôi mắt sẽ được trải rộng trong tầm nhìn cả quang cảnh hoang sơ và hùng vĩ đến không ngờ. Vòng quanh sườn núi, thi thoảng một đoạn của con đường bộ nho nhỏ mà người Pháp từng xây dựng khi xưa ẩn hiện trông khá nên thơ. Đâu đó ở bên tai, âm vọng rì rào của con suối vẫn ngày đêm len lỏi dòng nước tuôn qua các khe đá nhỏ, sau đó suối hội tụ thành dòng lớn và đổ nước xuống triền núi triền miên không dứt. Đôi chỗ suối biến thành thác nhỏ tuôn xả dòng nước bạc mà nhìn xa tôi cứ ngỡ đó là mái tóc trắng xóa của bà tiên già đang hiện diện giữa núi rừng hùng vĩ.

LANG THANG BÀ NÀ

Dừng chân tại chặng 1 với độ cao chừng 1.400m. Lục tục, cả nhóm bước ra ngoài làm một vòng khảo sát các thắng cảnh của Bà Nà xinh đẹp. Tuấn cho biết: vị trí chúng tôi đang đứng chính là trung tâm nghỉ dưỡng của người Pháp trước đây. Sau thất bại ở trận chiến Điện Biên Phủ và bắt buộc phải rút khỏi Việt Nam, người Pháp đã tháo gỡ vật dụng quý giá tại các biệt thự mà họ xây dựng trên mọi thắng cảnh tại Việt Nam đem về nước. Cùng chịu chung số phận, các biệt thự tuyệt đẹp ở Bà Nà đã trở thành những phế tích hoang vắng lạnh lùng và bị bỏ hoang cho đến vài chục năm sau, không người lai vãng.

Ngày nay, khi quy hoạch lại Bà Nà, ngoài việc tôn tạo những di tích cũ như hầm rượu Debay cùng khách sạn Morin theo đúng phong cách Pháp, nhà đầu tư còn cố gắng làm thêm tuyến cáp treo thứ hai để tiện việc di chuyển lên đỉnh cao nhất, đồng thời họ xây khu công viên vui chơi mang tên Fantasy Park nằm dưới lòng đất với chiều sâu đến 3 tầng, diện tích lên đến 21.000m2 trông khá hiện đại.

Sau hơn một giờ thăm thú, tất cả cùng tìm hướng về Linh Từ Thánh Miễu chiêm bái. Xưa kia, nhắc đến Bà Nà, người dân địa phương tin rằng trên đỉnh núi này là nơi ngự trần của bà Chúa Thượng Ngàn rất đỗi linh thiêng. Với quyền phép vô biên, Bà hoá thành nhiều hình ảnh từ người tiều phu, cô gái xinh đẹp, bà cụ già phúc hậu nhằm chở che và răn dạy điều hay lẽ phải cho người dân hiền lành. Bà có thể biến thành vị thần hổ đầy oai vệ để trừng phạt người ác tâm xà khẩu phật. Vì thế, ngày xưa đường lên Bà Nà đầy gian nguy hiểm trở nhưng người dân đã kịp xây dựng một miếu nhỏ để thờ Bà thật cung kính. Ngày nay, nhằm gìn giữ tục lệ này, người dân đã đóng góp tôn tạo lại Miếu của Bà được rộng lớn và khang trang hơn.

Vào năm 1998, một vị sư trụ trì tại chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn khi hành hương đến Bà Nà đã dựng một ngôi chùa trên đỉnh núi. Ngôi chùa này cũng mang tên Linh Ứng và có phong cách kiến trúc theo đúng mô hình của chùa Linh Ứng xưa đã từng an vị rất lâu trên đỉnh Thủy Sơn linh thiêng. Chùa được hoàn thành vào năm 2004. Bên cạnh những thắng cảnh như Quan âm các, vườn Tịnh Tâm và động Sơn Thần, khu vực Thích Ca Phật Đài được xem là ấn tượng và hoành tráng nhất. Tại đây có một tượng Phật tổ cao đến 27m được chế tác theo tư thế ngồi toạ thiền trên tòa sen cao 6m. Với gương mặt từ bi, Phật Tổ trông đầy nét vô vi tĩnh tại để lắng nghe những lời cầu xin và ban ơn lành cho bá tánh rủ nhau hành hương kính viếng. Khi tượng được hoàn thành, dù ở Đà nẵng, Hải Vân Quan hoặc Sơn Trà, mọi người đều có thể nhìn thấy bức tượng Phật trắng lấp lánh trong ánh nắng để nhận biết Bà Nà càng rõ rệt.

SAY MEN TRONG HẦM RƯỢU CỔ

Một điểm khác cũng đáng ghé thăm nằm gần trung tâm nhà ga 1 là khu hầm Debay - hầm rượu cổ độc đáo có một không hai mà các kiến trúc sư Pháp dày công nghiên cứu sáng tạo. Với người Việt, công trình hầm rượu rất xa lạ vì chúng ta chỉ uống rượu cất nên rượu không thể để dành lâu. Riêng người Pháp khi đến Việt Nam, họ đã có lịch sử làm rượu vang nho rất lâu trước đó. Vì vậy việc xây dựng hầm rượu với các vị viên chức toàn quyền Pháp tại Việt Nam là điều nan giải vì Việt Nam nổi tiếng là xứ nhiệt đới nóng ẩm nên rượu rất dễ bị hỏng. Tìm ra Bà Nà, ngay lập tức Debay nhận biết đây là nơi có thời tiết ôn đới tuyệt vời không thua gì Sapa hay Đà Lạt. Vì vậy, ông đã thực hiện công trình để đời là khu hầm rượu nằm trong lòng núi Bà Nà đẹp xinh.

Đi vào hầm, tôi thấy hầm được làm rất công phu vì Debay đã phải khoét vách núi đá với chiều cao 2,5m cùng chiều dài khoảng 80m, riêng chiều rộng ông thiết kế đường hầm ước chừng 2m. Với tài sáng tạo, Debay thiết kế hầm có nhiều ngóc ngách riêng biệt với phần vách được xây bằng đá núi và vữa làm từ hỗn hợp đường và nhựa cây bời lời. Trong đó, trần hầm được đào theo hình vòm cung thể hiện lối kiến trúc mang đậm chất Pháp, đồng thời cấu trúc này giúp tạo nên sự vững chắc cho hầm cho dù vật đổi sao dời hàng thế kỷ. Chi tiết hơn, ông còn thiết kế trong hầm các khu vực như: khu cất giữ rượu, hầm chưng cất rượu, bar rượu, lò sưởi, sảnh... Trong đó, phần sảnh có thể chứa cả trăm người cùng tụ họp ăn uống vui chơi thoải mái.

Lẩm nhẩm tôi đếm, tại hầm rượu này có đến 14 kho rượu vẫn còn tấm bảng đồng ghi tên tuổi của các vị chủ kho. Được biết, tiền của xây dựng hầm do 14 vị doanh nhân và quan chức Pháp giàu có nhất Đông Dương thời bấy giờ cùng hùn hạp. Với không khí luôn đạt chuẩn 16-180C, hầm rượu Debay là nơi lý tưởng để gìn giữ các loại rượu ngon chính gốc mà người Pháp cất công chuyên chở bằng đường thủy từ quê hương họ và gìn giữ chúng trên đỉnh Bà Nà.

Hiện nay, hầm rượu Debay là công trình duy nhất của người Pháp còn sót lại khá nguyên vẹn. Có thể nói chiếc hầm này đã vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự tàn phá của bom đạn thời chiến tranh. Chui ra khỏi hầm, chúng tôi được tặng mỗi người một ly vang cho ấm người và tiếp tục ngao du trên con đường quanh co đầy những hoa cẩm tú cầu cùng bao cánh bướm rập rờn bay lượn.

Điều ấn tượng nhất khi ngoạn du Bà Nà có lẽ là sự trải nghiệm sắc màu biến đổi của thời tiết với 4 mùa trong ngày thật đặc biệt. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy dường như trong 24 giờ không gian được được chia thành những ô khí hậu thật rành mạch.

Điều ấn tượng nhất khi ngoạn du Bà Nà có lẽ là sự trải nghiệm sắc màu của thời tiết với 4 mùa trong ngày thật đặc biệt. Lần đầu tiên, tôi cảm thấy dường như trong 24 giờ không gian được được chia thành những ô khí hậu thật rành mạch. Vào buổi sáng, bạn có thể cảm nhận không gian mùa xuân lan tỏa cùng khí hậu mát lạnh từ những màn sương núi mờ giang bao phủ. Đến giữa trưa, không gian Bà Nà trở nên rực rỡ trong ánh nắng hè nhưng không khí vẫn dịu mát trong lành. Khi đồng hồ bing boong chỉ con số từ 3 - 6 giờ chiều thì không gian nơi đây dành cho những khoảnh khắc của mùa thu ngắn ngủi. Chập tối, cả vùng Bà Nà ồ ạt những làn mây mù bao phủ; lúc này, bà Chúa mùa đông ập đến vung chiếc roi thời tiết buốt giá khoe sức mạnh vô song. Trong cái rét tê tái, du khách chẳng muốn đi đâu ngoài việc ngồi bên lò sưởi bập bùng và nhấp những ly rượu nồng nàn giúp cơ thể chống lại sự giá buốt đang dần chiếm không gian.

Thông tin thêm:

+ Bà Nà nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng 40 km về hướng tây… Muốn du lịch Bà Nà, du khách có thể book vé máy bay của Vietnam Airline và Vietjet với các chuyến bay trong ngày

+ Giải trí: Khu du lịch Bà Nà đã đưa công trình giải trí - công viên Fantasy - phục vụ du khách cách đây hai năm. Ở đây chủ yếu là những trò chơi Video Games, trò chơi cảm giác mạnh cùng các trò thám hiểm… Trên bề mặt của Fantasy cũng chính là khuôn viên của khu làng được xây dựng theo phong cách cổ điển Châu Âu rất lớn. Tại khu làng còn tái hiện mô hình những lâu đài, thành quách rất nguy nga.

+ Lưu trú: Ở Bà Nà có nhiều khách sạn như Morin,Debay, L’indochine đạt tầm 3 sao. Riêng về ẩm thực, các nhà hàng  tại Bà Nà vẫn chưa đủ sức quyến rũ du khách nên thông thường khách chỉ đến vui chơi trong ngày, rất ít người ở lại trải nghiệm không khí gái lạnh về đêm tại đây.

 

RELATED ARTICLES