Đôi khi, một bữa ăn không chỉ là sự thưởng thức hương vị, mà còn là cơ hội để tìm về cội nguồn. Bước vào Miên, giữa những đường nét mộc mạc và tinh tế của không gian đậm chất Việt, ta cảm giác như đang chạm vào một phần di sản vô hình: những ký ức của làng quê, của bóng tre xanh và mùi hương lúa mới.
Tasting menu "Mâm hội cỗ làng - Miền Trung" là một bức tranh ẩm thực sống động mà Miên đã kỳ công tô vẽ. Đằng sau mỗi món ăn là câu chuyện của đất mẹ và những con người cần mẫn. Mâm cỗ ấy dẫn thực khách qua một hành trình dọc miền Trung, từ bãi biển nắng cháy đến những triền đồi Đơn Dương xanh mướt – nơi chất liệu văn hóa và nguyên liệu đậm chất bản địa được đưa vào từng món ăn.
Từ đất mẹ đến bàn ăn
Điểm nhấn trong thực đơn này chính là sự cam kết mạnh mẽ của Miên với 100% nguyên liệu bản địa cao cấp. Hạt sen từ Huế mỏng manh nhưng thơm thanh, từng được mệnh danh là "vàng trắng" của miền Trung, mang trong mình sự nhẹ nhàng và bền bỉ của người dân nơi đây. Gạo Séng Cù từ Tây Bắc, với vị ngọt dịu và hương thơm nồng nàn, là lời nhắn nhủ từ những bàn tay lam lũ nơi núi rừng. Rau Trà Quế từ vùng đất di sản Quảng Nam, với hơn 300 năm vun trồng bằng thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng và kỹ thuật canh tác truyền thống, mang hương thơm thanh mát đặc trưng, càng góp phần tôn lên sự tinh tế cho từng hương vị.
Những món ăn như tôm hùm bông Nha Trang hay mực trứng đều giữ nguyên được hương vị tự nhiên, như lời tri ân dành cho biển cả. Gây ấn tượng đặc biệt trong menu này là phần thịt sâm cầm – loại chim quý hiếm từng xuất hiện trong yến tiệc vua chúa, với thịt ngọt mềm, bổ dưỡng, giờ hiện diện đầy trân quý trong thực đơn của Miên cùng sự cân bằng hoàn hảo giữa truyền thống và sáng tạo.
“Mâm hội cỗ làng” và cảm hứng quê hương
Tasting menu mới - “Mâm hội cỗ làng – Miền Trung” gồm 13 món đa dạng, có thể kể đến như heo ngâm mắm, quẩy xúc hến, xèo cuốn mực, hùm bông chua chua, bột lọc cá kho, cơm sen, sâm cầm, hồng đà lạt… là kết tinh của hành trình dọc biển xuôi về Lâm Đồng, ghé thăm quê nhà của bếp trưởng Dung. Mâm cỗ tái hiện không khí hội làng rộn rã, nơi chua cay mặn ngọt hòa quyện, từ món ăn hàng quán ven đường đến những món tiến vua.
Không chỉ là một bữa ăn, “Mâm hội cỗ làng” còn là dịp để thực khách hoà mình vào không khí rộn ràng của những ngày hội làng, với tiếng cười nói và màu sắc của chợ phiên. Mỗi món ăn như một lời mời gọi: chua cay của nước mắm xứ biển, ngọt thanh từ những mẻ rau Trà Quế tươi tốt, hay cái giòn tan của bánh quẩy.
Dẫu là một bữa tiệc phong vị, Miên vẫn giữ được cái hồn mộc mạc của ẩm thực Việt, nơi sự giản dị và thanh tao được đặt lên hàng đầu. Đây không phải là fusion, càng không phải sự phô trương; đây là sự “nhấn nhá” đầy ý nghĩa giữa hiện đại và truyền thống, giữa ký ức và hiện tại.
Triết lý từ thiết kế đến cách phục vụ
Không gian của Miên là sự kết nối giữa cái cũ và cái mới. Những thanh lam gỗ trên trần gợi lên hình ảnh giàn dây leo trong khu vườn quê, mềm mại mà dẫn lối ánh mắt thực khách về gian bếp mở. Phất phơ những rèm vải gai dầu treo nhẹ, vừa đủ để tách biệt từng không gian bàn, vừa tạo cảm giác gần gũi.
Ánh đèn từ trần chiếu xuống, tạo nên những vệt sáng – bóng như nhịp điệu cuộc sống của những ngôi làng Việt Nam, tĩnh lặng nhưng cũng đầy sức sống. Sự tinh tế ấy không chỉ dừng lại ở thiết kế mà còn len lỏi vào từng chiếc đĩa, từng món ăn được bày biện với sự chỉn chu, như một cách kể câu chuyện của Miên về văn hóa Việt.
Không chỉ là một nhà hàng, Miên dường như đã dần trở thành một “người kể chuyện” chân thành. Đó là câu chuyện về vùng đất, con người và sự giao thoa giữa hiện đại và truyền thống. Từng món ăn, từ tôm hùm bông Nha Trang ngọt lịm vị biển khơi, đến gạo Séng Cù với từng hạt dẻo thơm, đều mang theo lòng biết ơn sâu sắc với nguồn cội.
Miên không chỉ mời thực khách ăn, mà còn mời họ cảm nhận, ngẫm nghĩ và trân trọng. Để rồi, khi bước chân rời đi, lòng người lại lưu luyến bởi dư âm ngọt lành từ những điều thân quen mà Miên đã gói ghém gửi trao.