Nét hấp dẫn của ẩm thực Hà Thành
Xôi chè từ xưa đến nay vẫn là món ăn tinh tế, mang đậm hồn Hà Nội. Chỉ xuất hiện trong những dịp lễ trọng đại, xôi chè được xem như một món ăn thanh cao, thể hiện sự trân trọng của người Hà Nội đối với truyền thống ẩm thực. Để có được một chõ xôi dẻo thơm, tròn vị, người ta phải là những người có kinh nghiệm dày dặn, đôi tay khéo léo. Mỗi hạt xôi là một tác phẩm nghệ thuật nhỏ, mang theo tâm hồn của người nấu.
Món ăn là sự kết hợp giữa xôi vò và chè. Chè ăn cùng với xôi có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất có lẽ là chè đậu xanh. Xôi chè đậu xanh có nguyên liệu phổ biến dễ mua, nhưng cách chế biến khá cầu kỳ và tỉ mỉ. Theo chia sẻ của một số chủ quán xôi chè truyền thống ở Hà Nội, để có những bát xôi chè thơm ngon, từ khâu chọn nguyên liệu tới khi làm món ăn, từng công đoạn được làm một cách chỉnh chu, cẩn thận.
Gạo nếp nấu xôi là nếp cái hoa vàng, hạt đều, tròn mẩy. Gạo nếp cái hoa vàng được ngâm qua đêm, đem đãi sạch, để ráo nước rồi vùi trong chiếc khăn vải khô và sạch cho thật khô hạt mới được trộn thêm ít muối cho đậm đà. Đỗ xanh là đỗ hạt tiêu, nhỏ, có lòng vàng và thơm, loại trừ hoàn toàn các hạt lép. Đỗ được xay vỡ, cùng với gạo được ngâm với nước muối từ 4-6 tiếng, đãi sạch và để ráo. Đỗ xanh đem đãi vỏ, đồ chín, để riêng một phần nhỏ tắc lên bát chè, phần còn lại giã nhuyễn mịn.
Dùng một nửa đỗ đã xay trộn đều cùng gạo nếp và mang đi hấp tới khi gạo chín mềm. Xôi chín xới ra mâm, để nguội, cho phần đỗ xay còn lại vào xoa đều cho hạt xôi tơi ra, đem đồ lần hai cho xôi rền mọng.
Khi xôi chín đều, dỡ ra khay, vò lần ba cho đỗ bám đều vào từng hạt nếp. Khi trộn đậu xanh với gạo nếp phải thật khéo léo để hạt gạo được trộn đều với đậu xanh, hạt nào cũng được bọc một lớp áo đậu xanh vàng mịn. Có như thế, khi xôi đồ xong, những hạt xôi nếp mới không bị vón cục. Xôi chín được bắc xuống, xúc ra một chiếc mâm, vừa đảo đều tay vừa dùng quạt quạt liên tục cho xôi nhanh nguội và tơi hạt. Từng hạt xôi chín mọng rời ra, khi nắm vào tay có độ mịn dẻo và thơm mùi nếp quyện với đỗ xanh.
Nấu chè, người ta có thể dùng bột sắn dây, bột năng và bột đao dùng làm miến. Bột được hòa tan vào nước lạnh. Đun nước đường sôi, sau đó đổ từ từ nước bột vào và tay khuấy đều cho đến khi bột chuyển từ màu trắng đục sang trong, sánh. Tắt bếp và cho phần đậu xanh hấp chín nguyên hạt vào nồi và đảo đều.
Vị ngọt mùa Vu lan báo hiếu
Mùa Vu Lan về, trên những góc phố Hà Nội, hương thơm nồng nàn của xôi vò quyện với vị ngọt thanh của chè hoa cau như đưa ta trở về tuổi thơ. Những mâm xôi vò thơm lừng, bát chè hoa cau mát lạnh được bày ra, khơi dậy bao kỷ niệm tuổi thơ trong lòng những người con Hà Thành.
Xôi vò chè đường, món ăn dân dã mà tinh tế, được tạo nên từ những nguyên liệu quen thuộc. Qua bàn tay khéo léo và tâm hồn tinh tế của người Hà Nội, món ăn này đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật ẩm thực độc đáo. Mỗi hạt xôi vò là một câu chuyện nhỏ về sự tinh tế của người Hà Nội. Hương vị thanh mát của chè đường hòa quyện cùng vị bùi của đỗ, tạo nên một bản giao hưởng ẩm thực độc đáo.
Nhấm nháp những hạt xôi dẻo mềm, ngầy ngậy, đủ quyến rũ vị giác con người, cùng bát chè thanh tao, có ngọt, có bùi, nhưng vị nào cũng thoảng đi như có như không; những câu chuyện về xôi vò, chè hoa cau, những hoài niệm chan chứa tình cảm về hai thức quà đặc biệt này, được “thổ lộ”, hòa cùng cái gật gù, ánh mắt chăm chú tán thưởng của những người tham gia.
Đối với nhà chùa, ngoài những mâm cỗ chay cầu kỳ, từ xưa, người ta cũng dâng lên những mâm xôi chè giản dị, gửi gắm tấm lòng thơm thảo tới những nhà tu hành, gia tiên… Cũng bởi vậy, bộ đôi xôi vò, chè đường thường gắn liền với những mâm cỗ cúng Rằm tháng 7, lễ Vu Lan của người dân Hà Thành xưa.
Hương thơm của xôi vò, chè hoa cau như một lời chào mùa Vu Lan, gợi nhớ về những giá trị truyền thống. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhưng những mâm cỗ Vu Lan, Rằm tháng 7 vẫn không thể thiếu sự hiện diện của bộ đôi xôi vò, chè hoa cau. Những gánh hàng rong, những quán xôi vỉa hè lại càng thêm nhộn nhịp với những bát xôi vò thơm lừng, cốc chè hoa cau mát lạnh. Với mức giá bình dân, chỉ từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng, ai cũng có thể thưởng thức món ăn dân dã mà ý nghĩa này.
Tháng cô hồn, vốn dĩ mang màu sắc trầm buồn, nhưng lại trở nên ấm áp lạ thường bởi hai lễ thiêng liêng. Bên cạnh lòng thành kính dâng lên tổ tiên, tháng bảy còn cho thấy tấm lòng nhân hậu, tình người ấm áp của dân tộc. Những lễ nghi tháng bảy, giản dị mà sâu sắc, là sợi dây kết nối giữa thế hệ hôm nay với tổ tiên. Được diễn dịch một cách tinh tế, không đao to búa lớn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, cái tự tình văn hóa Việt Nam có lẽ chưa khi nào thôi hấp dẫn. Tháng bảy đẹp đẽ hơn vì thế.