Sukhothai, Một Thái Lan khác

23/01/2015

Khi nói đến du lịch Thái Lan, phần lớn khách du lịch Việt Nam thường nghĩ đến Bangkok, nơi có Hoàng cung, những ngôi chùa vàng, chùa bạc tráng lệ và những con phố đèn đỏ không ngủ hay những trung tâm thương mại sầm uất, đến Pattaya với bãi biển xinh đẹp tràn ngập ánh nắng… Có một Thái Lan khác, giàu trầm tích văn hóa và lịch sử, đó là cố đô Sukhothai, nơi được xem là cái nôi của đạo Phật, quốc giáo của Vương quốc này.

Bài và ảnh: Lucia Nguyễn

Sukhothai nằm cách thủ đô Bangkok gần 427km về phía Bắc, có diện tích rộng hơn 6.600km2. Thai Thai Sukhothai là khách sạn mà chúng tôi chọn và đặt phòng trước qua mạng. Trong khi chờ làm thủ tục nhận phòng, một gia đình du khách người Pháp đã check out, đang ngồi chờ xe taxi đưa ra bến xe nói với chúng tôi: “Phòng của khách sạn rất sạch, mọi vật dụng đều mới và phục vụ rất chu đáo. Khí hậu thành phố mát mẻ, có rất nhiều nơi để tham quan”. Chúng tôi cảm thấy phấn chấn với thông tin vừa nghe.

Dấu xưa vương triều cũ

Sukhothai là nơi ít chịu tác động của quá trình đô thị hoá và được mệnh danh là “bình minh của hạnh phúc”. Trong tiếng Thái, Sukhothai có ý nghĩa là "cội nguồn của sự hoan lạc". Sukhothai cũng là cố đô đầu tiên của Thái Lan, được thành lập vào khoảng thế kỷ 13 - 14. Vị vua đầu tiên Phokhun Si Intharathit đã sáng lập ra triều đại Phra Ruang. Kinh đô Sukhothai được cai trị bởi nhiều vị vua nhưng được ghi nhớ nhất là Ramkhamhaeng đại đế, Vua thứ ba của vương triều Phra Ruang của vương quốc Sukhothai, vì đã sáng tạo ra bảng chữ cái Thái Lan và đặt nền tảng vững chắc cho chế độ quân chủ, tôn Phật giáo thành quốc giáo.

Sukhothai là nơi ít chịu tác động của quá trình đô thị hoá và được mệnh danh là “bình minh của hạnh phúc”. Trong tiếng Thái, Sukhothai có ý nghĩa là "cội nguồn của sự hoan lạc".

Kinh đô cũ này từng có cung điện hoàng gia, vô vàn đền thờ Phật giáo và những công trình kiến trúc lịch sử cổ kính nhưng hiện nay tất cả chỉ còn là phế tích. Công viên lịch sử Sukhothai (Old Sukhothai) đã được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới vào năm 1991.

Công viên Sukhothai bao gồm cả vùng đất từng là kinh đô của Sukhothai rộng 3,38 km2, một kiệt tác của lối kiến trúc Xiêm La đầu tiên. Đây là một trong những nơi tiêu biểu cho nghệ thuật Xiêm La trong giai đoạn đầu, tiêu biểu cho sự sáng tạo của đất nước Thái Lan đầu tiên, hiện còn lưu giữ hàng loạt công trình thể hiện các nét kiến trúc độc đáo của Thái Lan. 

Phía trong các tường hào bao bọc một khu vực rộng 70km2 vẫn còn khoảng 200 phế tích, ở giữa có 26 ngôi đền bao xung quanh cung điện cũ mang tên Wat Mahathat. Các di tích cổ xưa cùng phong cảnh và ẩm thực độc đáo nơi đây đã trở thành điểm du lịch lý tưởng thu hút đông đảo du khách. Tuy là cố đô của Thái Lan nhưng theo quan sát của chúng tôi, lối kiến trúc ở Sukhothai mang nặng tư tưởng của nền văn hoá Khmer có pha lẫn đôi chút văn hoá Ấn Độ.

Đền Hoàng gia Wat Mahathat là ngôi đền Phật giáo lớn nhất, với diện tích hơn 160.000m2, được xem là trái tim của Phật giáo Thái Lan. Nơi đây hiện vẫn còn lưu lại những cột trụ bằng đá sừng sững ngay trước tượng Phật cao 10m mà ngày xưa vốn là kho kinh Phật có mái che bằng gỗ. Theo thời gian, tất cả đã bị tàn phá, chỉ còn trơ lại các cây cột. Đền nổi tiếng với tấm bia khắc chữ trên đá của nhà Vua Ramkhamhaeng và nhiều bức điêu khắc tượng Phật trong tư thế đang bước đi được tạc trên vách tường đá. Phía tây đền Wat Mahathat có một Phật đường lớn nhất Sukhothai và là trung tâm tôn giáo của Sukhothai cổ. Đây là nơi bạn nên đến chiêm bái vào dịp Tết để cảm nhận phần nào hơi thở Phật giáo lan truyền khắp xứ này.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tour xe đạp khám phá Sukhothai

Chúng tôi đã có 4 ngày để khám phá cố đô Sukhothai, song do nơi này quá rộng lớn nên chúng tôi chỉ có thể tham quan những khu vực chính được ghi trên bản đồ. Để có thể tham quan những đền đài ở các khu vực lân cận, chúng tôi bắt buộc phải thuê xe. Ở đây có 2 loại phương tiện cho thuê: xe đạp và xe máy, và chúng tôi quyết định chọn xe đạp (100baht xe/ngày) và tự mình đạp xe khám phá quang cảnh đồng quê và những khu phố cổ để có thể cảm nhận một cách sâu sắc vẻ đẹp huy hoàng và tráng lệ trong quá khứ của cố đô Sukhothai.

Với tâm trạng thoải mái, chúng tôi lần lượt đến các di tích và cùng hòa mình vào không gian cổ kính, hài hòa với thiên nhiên của Sukhothai. Khi ngắm nhìn các khối đá vô tri, những gì còn sót lại của những thành quách thuộc Vương triều Xiêm La, tôi cảm nhận sâu sắc câu nói của người xưa: “thương hải biến vi tang điền” (cảnh đời luôn luôn biến đổi, không có gì gọi là bền vững vĩnh viễn).

Ngắm nhìn các phế tích ở Sukhothai vào buổi chiều tà, dưới ánh nắng vàng vọt còn sót lại trong ngày, những cột đá vô tri, khối đá ong nằm im lìm và các bức tường rêu phong đượm một màu huyền bí, khiến chúng tôi cảm nhận một cách sâu sắc vẻ đẹp huy hoàng và tráng lệ của cổ thành này. Dù trải qua hàng thế kỷ, người Thái vẫn còn lưu giữ gần như nguyên vẹn những di tích xưa cũ. Song, trên thực tế tất cả những phế tích ở cố đô mà chúng tôi đang chiêm ngắm đều đã được phục dựng lại từ năm 1976. Chính phủ Thái Lan bảo vệ khu vực này theo Công bố Hoàng gia vào ngày 6/6/1962. Đến năm 1976 các dự án phục hồi được chấp thuận và tháng 7/1988 công viên đã chính thức đi vào hoạt động. Ngày 12/12/1991, công viên được công nhận là di sản thế giới.

Thời gian đã tàn phá mọi vật và cố đô Sukhothai cũng không ngoại lệ. Nhưng tất cả di tích ở đây đều đã được phục dựng rất công phu và được cho là khá giống với nguyên bản. Tại mỗi cửa vào khu vực tham quan, người Thái đều có những bức ảnh chụp di tích trước khi phục dựng và ảnh mô hình thiết kế phục dựng di tích để du khách tìm hiểu. Tuy không được tận mắt ngắm nhìn các di tích ở Sukhothai được xây dựng từ thế kỷ 13 – 14 nhưng với những công trình được phục dựng lại một cách công phu cũng giúp cho người xem không cảm thấy hối tiếc. Những nơi này người Thái cho là linh thiêng nên luôn yêu cầu du khách phải ăn mặc trang nghiêm (phải quần dài, áo dài tay) mới được vào tham quan như ở Wat Si Chum.

Sau khi dành nhiều thời gian tham quan và tìm hiểu cố đô Sukhothai, chúng tôi quyết định dành một ngày đạp xe tham quan các di tích ở khu vực lân cận. Đạp xe trên những con đường làng trải nhựa phẳng lì, bên trên được che mát bởi những tán cây to, hai bên đường trồng toàn me và me. Trên đường thỉnh thoảng chỉ có vài chiếc xe máy của khách du lịch chạy vụt qua, hay lác đác vài khách du lịch cũng đang đạp xe như chúng tôi. Không gian yên tĩnh, khí hậu mát mẻ, chúng tôi đạp xe đi rất xa mà không cảm thấy mệt.

Những ngày ở Sukhothai, chúng tôi thường đến con đường phía trước công viên để dùng bữa, nơi đây có rất nhiều quán ăn mọc san sát phục vụ khách du lịch. Món ăn nơi đây có các loại Thái và châu Âu, trung bình mỗi suất ăn giá 100Baht (70.000VNĐ). Đặc biệt, món xiên que thức ăn đường phố ở Sukhothai rất ngon và rất an toàn mà lại rẻ.

Càng đi sâu vào làng quê Thái, chúng tôi có chung nhận xét, “người dân Thái rất hiền và dễ mến”. Chúng tôi đi đến đâu cũng đều nhận được từ họ những nụ cười chào đón. Đúng là xứ sở của nụ cười!

Text box 2:

Càng đi sâu vào làng quê Thái, chúng tôi có chung nhận xét, “người dân Thái rất hiền và dễ mến”. Chúng tôi đi đến đâu cũng đều nhận được từ họ những nụ cười chào đón. Đúng là xứ sở của nụ cười!

Thông tin thêm:

+ Từ Việt Nam, có nhiều hãng hàng không bay đi Thái Lan. Vé xe lửa đi Sukhothai và khách sạn, bạn có thể đặt trước qua mạng internet.

+ Hành trình: Chúng tôi đáp chuyến bay của Thai Airways đến thủ đô Bangkok; sau đó thuê xe taxi (giá 150 Baht) đến địa chỉ hẹn trước qua mạng để nhận vé xe lửa. Lấy taxi về khách sạn (200 Baht), ở lại Bangkok 2 ngày và 1 đêm. Sau đó lên xe lửa đêm đi Sukhothai. 22 giờ đêm xe lửa khởi hành, đến 6 giờ sáng xuống xe lửa, bắt xe tuktuk đi thêm khoảng 3 - 5km đến bến xe buýt đi vào cố đô Sukhothai (giá 43 Baht/người).

+ Nếu đi theo công ty tổ chức tour, bạn dễ dàng đặt tour Thái Lan tại hầu hết các công ty lữ hành, vì đây là tuyến du lịch phổ biến ở Đông Nam Á. Tham khảo tại Saigontourist: tour du lịch Thái Lan 5 hoặc 6 ngày, khởi hành từ 29 Tết Âl, giá từ 7,49 triệu đồng.

+ Ở các sân bay, ga xe lửa, bến xe buýt tại Thái Lan đều có phòng cung cấp thông tin cho du khách, cả lực lượng cảnh sát ở sân bay cũng nhiệt tình giúp đỡ du khách khi cần. Khi bạn cần hỏi thông tin, người Thái rất nhiệt tình giúp bạn và giúp có hiệu quả.

+ Một lưu ý cho du khách, khi đi tham quan chùa chiền ở Thái Lan không nên mặc quần soóc, váy ngắn, áo thun 3 lỗ.

+ Thời tiết ở Thái Lan vào dịp Tết cũng khá tương đồng với Việt Nam, không quá nóng cũng không quá lạnh, rất thuận lợi để du khách thỏa sức du ngoạn xứ sở của nụ cười.

+ Tỉ giá: 1 Baht tương đương 700 VNĐ.

RELATED ARTICLES