“Tôi ở trong cuộc đối thoại với chính mình" - Trò chuyện cùng TS Triết học Thái Kim Lan

26/09/2022

Bên bờ sông Hương cách chùa Thiên Mụ khoảng 500 m, có một không gian Huế rất xưa và thơ.

Bên bờ sông Hương cách chùa Thiên Mụ khoảng 500 m, có một không gian Huế rất xưa và thơ. Đó chính là Lan Viên Cố Tích gồm hai không gian là nhà vườn Từ đường Thái tộc và Bảo tàng gốm cổ sông Hương với hơn 5.000 hiện vật có niên đại lâu năm.

Năm nay, tôi có dịp ghé thăm một ngôi nhà mang đậm văn hóa xưa ở Huế. Ngôi nhà có cánh cổng gỗ kiên cố, khu vườn rộng thênh thang trải dài và lưu trữ nhiều hiện vật cổ của cố đô. Được biết, đây là ngôi nhà riêng, đồng thời là bảo tàng tư nhân của TS Triết học Thái Kim Lan - người trực tiếp giảng dạy tại Đại học Ludwig Maximilian tại Munich (Đức).

Cô Thái Kim Lan trở về sau 50 năm ở Đức.

Cô Thái Kim Lan trở về sau 50 năm ở Đức.

Quyết định mở bảo tàng của cô Thái Kim Lan

Phải tới vài tháng sau khi ghé thăm Huế, tôi mới có dịp trò chuyện với cô. Cô có chất giọng êm đềm, đậm âm hưởng xứ Huế, từ tốn kể về những lý do và quyết định trở về Việt Nam: “Động lực duy nhất khi cô từ Đức trở về Huế, làm bảo tàng ngay trên đất của gia đình là xây dựng một địa chỉ gìn giữ văn hóa xưa, không để những nét đặc trưng dần mai một”.

Nhà cô Kim Lan có rất nhiều món đồ cổ được trục vớt từ chính lòng sông Hương xứ Huế: đồ gốm các loại, đồ đồng, gỗ, đồ khảm trai… mà trong đó đồ gốm là nhiều hơn cả. Gốm cổ, gốm tráng men, đất nung, đồ sành từ những thời xa xưa nhất cho tới những niên đại gần đây. Trước những hiện vật luôn có một chiếc thẻ tre (museum label) dùng để mô tả loại gốm và niên đại xuất hiện của chúng.

Bảo tàng gốm tư nhân của TS Triết học Thái Kim Lan.

Bảo tàng gốm tư nhân của TS Triết học Thái Kim Lan.

“Cô đi từ xứ Huế sang Đức để học hỏi và để trở về giúp đỡ đất nước mình. Không có mục đích nào khác ngoài mục đích văn hóa. Văn hóa của gia đình cô và xứ Huế phải được khai thác, khai mở và phát triển không chỉ tại Huế mà cô còn muốn xa hơn mang ra quốc tế. Bạn bè khắp mọi nơi cũng cần được biết rằng ở xứ Huế này cũng có những giá trị văn hóa cần được bảo tồn.” - TS Thái Kim Lan chia sẻ thêm.

Những món đồ cổ này được những người vạn đò trục vớt từ lòng sông đem đến bán cho gia đình cô Lan suốt nhiều năm. Trong quá trình giảng dạy tại Đức và đi lại giữa hai đất nước, cô Thái Kim Lan đã dần làm dày thêm bộ sưu tập của mình. Rồi tới một ngày, bảo tàng tư nhân “Bảo tàng gốm cổ sông Hương” ra đời dưới sự công nhận của chính quyền thành phố Huế.

TS Triết học Thái Kim Lan đã thương nhớ quá khứ xa xưa mà kiên trì giữ lại nét văn hóa của gia tộc, của cả một thời bé thơ của mình. Cô tâm sự: “Trong quá trình sắp xếp bảo tàng cô coi đây là công việc thầm lặng, là quyết định riêng tư. Mình đang còn lưu giữ, sở hữu di sản của gia tộc và của chính mình. Công việc của mình đơn giản là làm thế nào để sắp xếp lại những hiện vật.”

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

- Cô có dự định phát triển hay mở rộng bảo tàng không ạ? - tôi nhanh chóng hỏi.

- Cô muốn bảo tàng được phát triển và nối kết với tất cả các sinh hoạt văn hóa trên thế giới - TS Thái Kim Lan trả lời.

Bảo tàng Gốm sông Hương không chỉ lưu trữ hiện vật, mà còn lưu trữ nét văn hóa của Huế.

Bảo tàng Gốm sông Hương không chỉ lưu trữ hiện vật, mà còn lưu trữ nét văn hóa của Huế.

Cô Thái Kim Lan chia sẻ thêm: “Điều cần thiết để bảo tàng sống được là phải kết nối được với các bảo tàng khác, phải dính líu đến các văn hóa khác triển khai các lĩnh vực khác. Từ đó ta trao đổi kinh nghiệm về các di tích, các trầm tích, các di sản của văn hóa thế giới với những người quan tâm chúng”.

"Tôi ở trong cuộc đối thoại với chính mình"

Không chỉ có bảo tàng, chính căn nhà cô đang ở cũng được cô tu sửa và gìn giữ nghiêm cẩn. Những ngày Tết Nguyên Đán cổ truyền, cô tổ chức những buổi lễ xưa như Lễ Thượng Nêu, Lễ Hạ Nêu như một cách bày tỏ tấm lòng nhớ mong và tha thiết giữ gìn bản sắc văn hóa của xứ Huế, của đất nước.

Bên trong căn nhà cổ có niên đại nhiều năm của cô Thái Kim Lan.

Bên trong căn nhà cổ có niên đại nhiều năm của cô Thái Kim Lan.

Cô Kim Lan đã sắp xếp và đưa “một ánh sáng khác” vào cách bài trí ngôi nhà, vẫn giữ “nếp nhà xưa”. Cô làm nổi bật chúng nhưng vẫn có cái bài trí riêng rẽ: “Cô là người sống nhiều năm ở nước ngoài, được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau và cô muốn thổi vào cái hiện đại trong không gian này. Những căn nhà xưa của bà nội cô Kim Lan nhiều bóng tối, thành thử khi mà trở lại đây cô mở cửa các căn nhà để cho ánh sáng tràn vào nhưng vẫn để lại vài góc tối”.

Cô giải thích với tôi rằng trong cách bài trí nhà cửa của phương Tây chỉ rặt toàn ánh sáng. Họ muốn đón hết ánh sáng vào ngôi nhà. Còn với phương Đông, nhìn đâu cũng thấy bóng tối, bóng tối tràn ngập nhưng gian nhà vốn đã rất nhiều góc khuất ánh sáng khó mà lọt. Theo chia sẻ của cô Thái Kim Lan, người xưa thường đóng cửa các nhà rường của mình.

“Mình không đuổi bóng tối quá, mình không để ánh sáng quá nhiều. Tất cả những cái gì xưa khi cô tu bổ lại nhà cô nhất quyết giữ lại và phải chỉn chu đến cùng, thành thử nhà cổ với thời gian nó xuống cấp nhưng mình làm lại theo cách khác hơn để sự giao thoa giữa Đông và Tây được hình thành”, cô chia sẻ thêm.

Một buổi lễ trong tư gia nhà TS Thái Kim Lan.

Một buổi lễ trong tư gia nhà TS Thái Kim Lan.

Cuộc nói chuyện đã kéo dài hơn một tiếng đồng hồ, cô Kim Lan kể cho tôi nghe biết bao nhiêu câu chuyện về các trầm tích xưa, về quá trình vất vả mà vui sướng khi Lan Viên Cố Tích thành hình. Rồi cô tâm sự về những khó khăn khi xây dựng nơi đây. Cô cho rằng mình đã phải trải qua nhiều cuộc chất vấn chính mình, và tự mình ngẫm lại những cuộc đối thoại với mọi người làm sao để mọi thứ được hoàn hảo nhất.

Trong quá trình ấy, những đối thoại dần hiện rõ. Cô đã thôi không đối thoại với tác động bên ngoài mà quyết định quay vào trong để làm rõ hơn những phát hiện của mình. Cô tâm sự rằng mình đã hiểu hơn người đi trước rằng "Tại sao họ lại để cái cột ngang dọc như vậy?" hay "Tại sao chiều cao cái nhà lại như vậy?"...

Cô Thái Kim Lan đã có cuộc đối thoại với chính mình.

Cô Thái Kim Lan đã có cuộc đối thoại với chính mình.

“Cô cảm giác mình sống nhiều chiều, chiều hiện tại, quá khứ, tương lai, Đông và Tây… Cô thấy điều này làm cho thế giới và nhãn quan của mình được rộng mở. Mình đi về nhiều thế giới khác nhau trong một khoảnh khắc. Mình lạc quan và yêu đời trong công việc của mình” - chia sẻ của cô dần chậm lại, nhấn mạnh hơn vào từng câu chữ nhưng sao chất giọng ấy vẫn không thôi làm tôi vừa kinh ngạc vừa quyến luyến.

TS Triết học Thái Kim Lan cũng mong những cố gắng của mình sẽ tạo nên những nhịp cầu văn hóa rất cần thiết trên thế giới. Rồi bất chợt cô chia sẽ một ý niệm mang đậm tính triết học vốn đã là chủ đề được cô nghiên cứu gần nửa đời người: “Con người có thể an lạc hơn, bớt ích kỷ hơn, bao dung hơn và yên tâm hơn để sống thay vì phải bó mình ở trong góc hoặc chiếm đoạt những thứ không thuộc về mình”.

Hà Chuu - Nguồn: Nhân vật
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES