Trở về miền đất thánh Jerusalem

23/12/2013

Từ trên cao, Jerusalem như một ốc đảo xanh tươi giữa sa mạc khô cằn mà bụi cát sa mạc thỉnh thoảng liếm dài qua từng khu phố. Câu nói bất hủ “hẹn gặp nhau ở Jerusalem” của những người bản địa thuở xưa như gieo vào lòng những du khách muốn tìm đến miền đất thánh một chút bâng khuâng, nhất là khi bạn đặt chân đến đây vào dịp Giáng sinh.

Bài và ảnh: Nguyễn Chí Linh

Tôi nối chuyến đến Jerusalem từ Bangkok theo chuyến bay của hãng hàng không quốc gia El Al Israel Airlines. Tôi vẫn nhớ mãi âm thanh sôi động của những tràng pháo tay không dứt của hành khách khi máy bay đáp xuống sân bay quốc tế Ben Gurion tại thủ đô Tel Aviv. Đó là sự ngầm hiểu rằng máy bay đã về đích an toàn. Trong tôi, quốc gia hình lưỡi dao này có những nền văn hóa chồng chất lên nhau theo dòng trôi của lịch sử, đặc biệt là ngôi đền Mount linh thiêng.

Nếp tầng văn hóa chồng chất

Buổi sáng se lạnh với sương mai, tôi lang thang đến đồi Olive, nơi ấy còn nhiều vết tích của Chúa Jesus để lại. Một vài cánh hoa dại mọc ven đường như điểm xuyết cho những vết gạch đã rêu phong cùng với thời gian. Đó là những cánh hoa tulip dại với màu đỏ xen lẫn với vàng. Những người địa phương bảo tôi rằng: tôi đang đi trên những con đường mà ngày xưa Chúa đã từng đi. Đó là những cung đường được tráng xi măng thay cho đường đất và đã thay đổi nhiều so với những gì tôi tìm hiểu qua hình ảnh. Chỉ còn sót lại những bức tường cổ kính dọc theo đường đi được xây dựng bằng đá vôi nguyên thủy và đôi khi được trám vào bằng những viên gạch mới để bảo tồn.

Trên đỉnh đồi Olive, mái vòm ngôi đền Mount được dát bằng vàng thật ở phía đối diện lung linh phản chiếu rực rỡ trong ánh nắng mai. Ngôi đền cao 740m được mọi người gọi bằng “Ông – Mr” nhằm thể hiện sự thành kính tâm linh. Người ta cho rằng, “Ông” chính là nguyên nhân gây xung đột bằng những cuộc chiến giữa Israel với các quốc gia Hồi giáo xung quanh. Nhưng người ta cũng không thể phủ nhận “Ông” là nơi còn lưu giữ nhiều nhất vết tích của 4 nền văn hóa lớn của thế giới nằm gối đầu lên nhau bên trong những bức tường thành cổ kính: Do Thái giáo, Hồi giáo, Kitô giáo và La Mã giáo.

Người Do Thái cho rằng, ngôi đền được bao bọc bởi những bức tường thành xây dựng bằng đá vôi bởi vua David vào năm 957 TCN, như sự mặc nhiên ngôi đền bên trong để thờ các vị thần là của họ. Những người Hồi giáo cho rằng, ngôi đền Mount do các vị vua Hồi giáo xây dựng lại từ năm 691 (trước khi vua David đến đây) với mặt tiền hướng về thánh địa Mecca và kiến trúc của nó rất “đặc trưng” văn hóa Ba Tư. Mount là ngôi đền tâm linh đứng thứ ba trên thế giới (chỉ đứng sau Thánh địa Mecca và Medina ở Ả Rập Saudi) bởi Thánh Allah đã đi lên Thiên đàng từ một lỗ nhỏ nằm bên trong ngôi đền. Người Kitô giáo lại cho rằng, ngôi đền liên quan đến cuộc đời của Chúa Jesus. Người La Mã xây dựng các đền thờ xung quanh ngôi đền Mount để thờ các vị thần trong truyền thuyết La Mã khi họ đến đây xâm chiếm Israel.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cuộc chiến giành lấy ngôi đền chưa có hồi kết, mà cũng vì nó mà cả hai quốc gia Israel và Palestine đều tuyên bố Jerusalem là thủ đô của mình. Để bảo vệ ngôi đền “thần thánh”, quân đội Israel đứng dày đặc bên ngoài và không một du khách nào được phép bước vào bên trong. Từ đồi Olive, tôi chỉ còn biết dùng ống nhòm cá nhân để xem qua vết tích của 4 nền văn hóa chồng chéo lên nhau nằm bên trong 4 bức tường thành cũ kỹ. Mount trở nên huyền bí lạ thường.

Vết tích Chúa Jesus

Trên đỉnh đồi Olive, tôi không bỏ qua việc đi vòng quanh một khu vườn Olive xanh tốt và được rào chắn cẩn thận bởi những cây sắt to. Đó là vườn Olive nơi Chúa bị bắt khi Judas ra ký hiệu ôm hôn Chúa. Như một sự “tâm linh huyền bí” được truyền tai từ người này sang người khác: khi đi đủ một vòng quanh vườn Olive này, con người sẽ nhận được nhiều điều tốt đẹp đến từ cuộc sống. Vườn Olive đã hơn 2.000 năm tuổi với những gốc thật to xanh rì và hòa quyện trong lời thì thầm của gió. Chúng vẫn như muốn nhắc nhở du khách đừng quên một căn phòng nhỏ nằm cách đó khoảng 50m mà chính trong căn phòng xám xì màu đá rêu phong Chúa đã dùng buổi tiệc ly cuối cùng khi biết trước số phận của mình. Tất cả đều im phăng phắc, chỉ thoảng nghe những bước chân nhẹ nhàng của các du khách rảo quanh căn phòng. Bất chợt dàn đồng ca thánh thoát vang lên từ một nhà thờ nhỏ nhỏ cạnh bên khiến mọi thứ đều ngừng đọng và rơi vào khoảng vắng lặng cùng với thời gian.

Tôi tiếp tục đi vào thành cổ Jerusalem để nối hành trình “14 đoạn đường Thánh Giá” mà Chúa đã đi qua sau khi bị bắt từ đồi Olive. Thành cổ Jerusalem là một trong ba thành cổ trên thế giới được bảo tồn tốt nhất từ khi được xây dựng vào những năm 41 – 44 bởi vua Agrippa. Hầu hết những bộ phim bom tấn cổ trang của Hollywood đều chọn nơi đây để quay bối cảnh. Bên trong thành cổ là những con đường đá chông chênh, quanh co nối tiếp nhau tạo thành thế bát quái trận đồ. Những ổ bánh mì dài, hay những tấm thảm, khăn choàng đầy màu sắc từ các quầy hàng bên trong thành cổ bắt đầu cuốn hút và tôi đã bị lạc lối và ngập ngụa trong văn hóa Ả Rập huyền bí. Rất may, anh bán bánh mì ven đường đã hướng dẫn tôi quay lại và chỉ cho tôi chặng đường đầu tiên mà Chúa đi qua.

“14 đoạn đường Thánh Giá” được đánh dấu bằng ngôn ngữ cổ Hebrew (chữ Do Thái cổ) và chúng nằm lộn xộn trên những con đường chằng chịt bên trong thành cổ. Có đoạn được vẽ hình để nhận biết và có đoạn chỉ toàn ngôn ngữ cổ mà tôi hoàn toàn không hiểu nghĩa. Nhờ sự giúp đỡ của người địa phương, tôi đã đi hết 14 cung đường ấy và hoàn toàn không nhớ hết con đường để quay lại và thoát ra bên ngoài.

Ở chặng thứ 14 là nhà thờ Holy Sepulchre với giả thuyết thứ nhất là Chúa được chôn cất tại đây sau khi hạ Thánh thể từ Thánh giá. Trong ánh sáng huyền bí được đốt từ những ngọn đèn cầy, “tâm linh” như được vỡ òa khi mọi người đều cuối xuống và ôm hôn tảng đá được đặt ngay giữa sảnh nhà thờ. Tảng đá đó được cho rằng là nơi đặt Thánh thể Chúa Jesus sau khi Ngài bị treo trên thánh giá. Men theo những bậc cầu thang bằng gỗ, tôi bước lên điện thờ Chúa Jesus. Tiếng cầu kinh từ các cha xứ và masoeur đến từ nhiều quốc gia khác nhau cứ vang đều và vô cùng ấm áp.

Nằm đối diện về phía trái tảng đá là những hầm mộ mà giả thuyết cho rằng Chúa được chôn cất tại đây. Tôi men theo các bậc thang để đi sâu vào lòng đất. Nơi đó chỉ còn những hầm mộ trống rỗng và chúng giới thiệu cho tôi hiểu biết về tập quán tạo nghĩa địa vào lòng núi đá của người Do Thái cổ hơn là chỉ ra chính xác Chúa được chôn cất ở hầm mộ nào.

Đồi Golgotha ở núi Calvary nằm cách thành cổ Jerusalem khoảng 3km, nơi được cho rằng chôn cất Chúa theo giả thuyết thứ hai. Tôi đi theo lối ngõ hẹp nằm giữa các dãy nhà để đi vào bên trong đồi. Một công viên rợp bóng cây xanh và đầy hoa cỏ với những lối đi nhỏ dẫn ra đồi Golgotha. Giả thuyết thứ hai cho rằng: Chúa bị đóng đinh trên đồi Golgotha và được chôn cất tại đây khi hạ Thánh thể của Ngài xuống. Sau khi ngắm nhìn ngọn đồi nho nhỏ có hình dáng giống như khuôn mặt con người, tôi vẫn chui theo các lối dẫn hẹp đi xuống lòng đất dọc theo đường đi để đi tìm những ngôi mộ có tính xác thực nhất về hầm mộ của Chúa. Nhưng chúng chỉ là những ngôi mộ trống với nhiều câu kinh được khắc lên các cánh cửa ra vào từ những con chiên mộ đạo ở khắp nơi trên thế giới.

Tôi luôn có nhiều câu hỏi khác nhau khi đến 2 nơi khác nhau mà được cho rằng là nơi chôn cất Chúa. Có lẽ, câu hỏi xuất hiện nhiều nhất trong đầu là Chúa là người có thật hay chỉ là hình tượng trên đời và ở một cõi xa xăm nào đó. Dù rằng chưa có câu trả lời xác đáng, nhưng tôi vẫn có một chút tâm linh nào đó bởi suy cho cùng bất cứ một tôn giáo nào cũng đều giúp con người hướng thiện và góp phần làm tốt đạo đẹp đời.

Cứ hẹn gặp nhau ở Jerusalem để còn nhìn thấy những chiếc mũ truyền thống Kippah của người Do Thái nhấp nhô bên “bức tường than khóc” trong ánh nắng vàng. Trong miếng giấy nho nhỏ được nhét vào hốc đá trên bức tường, tôi chỉ ghi hai chữ duy nhất “hòa bình”.

---------------------------------------------------------

Thông tin thêm:

+ Khi xuất visa, bạn nên yêu cầu Đại sứ quán xuất ra trên giấy rời A4. Khi nhập cảnh, yêu cầu nhân viên hải quan đóng mộc vào giấy visa trên giấy A4. Việc có mộc vào Israel, có thể không được nhập cảnh và bị trục xuất ở một số quốc gia Hồi giáo khác.

+ Phương tiện đi lại: bay cùng El Al Airlines (liên doanh với Thai Airways, Cathay Pacific và Vietnam Airlines cho các chặng Bangkok hoặc Hongkong) và Turkish Airlines.

+ Cần mặc quần dài khi đi tham quan trong Jerusalem.

+ Du khách luôn chuẩn bị tâm lý bị phỏng vấn ở các đầu sân bay bởi đội an ninh với các câu hỏi cơ bản: sẽ đi đến đâu, làm gì ở đó, đã từng ở đâu, hành lý tự tay đóng hay nhờ người khác đóng, có nhờ ai cầm dùm hành lý trong thời gian chờ đợi ở sân bay hay không...

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES