Rằm tháng 7 đối với đồng bào vùng cao được coi là cái Tết lớn chỉ sau Tết Nguyên đán. Trong dịp này, những tín ngưỡng thờ cúng dân gian cùng phong tục, tập quán giàu bản sắc của mỗi tộc người được thể hiện rõ nét; bên cạnh sự tương đồng còn có những nét riêng, độc đáo.
Đậm nét văn hoá của người vùng cao
Trong tiếng Giáy, rằm tháng 7 có cách gọi “Tết Xíp xí”. Tết này thường được tổ chức vào chiều 14/7 Âm lịch. Người Thái trắng lưu truyền rằng, sau khi thu hoạch và cày cấy, trẻ em đua nhau lên rừng thả trâu, người lớn ở nhà làm Lễ gác cày bừa rồi mổ lợn, gà, vịt tổ chức ăn uống linh đình no say mà không gọi trẻ em về và cũng không để phần cho chúng.
Ngày Tết Xíp xí, luôn có mâm lễ vật để cầu xin sự may mắn cho từng cá nhân, gia đình, dòng họ trong bản; Cầu xin may mắn của trời đất mưa thuận, gió hòa, phù hộ cho dân bản sức khỏe dồi dào để lao động; Cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho con trẻ được mạnh khỏe, hay ăn chóng lớn, không ốm đau bệnh tật. Lễ vật cúng gồm: Thịt vịt, thịt gà, thịt lợn hun khói, nạp sườn, cá nướng (Pa pỉnh tộp), nộm rau cải, canh bon, canh chua, khẩu cắm (cơm nếp nhuộm 5 màu hoặc 7 mầu), bánh ít uôi, bánh chưng gù.
Tết Xíp xí thường không thể thiếu "nhứa tô pết" (thịt vịt), bởi người Thái trắng có quan niệm con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa, con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng nước. Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ; Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi, người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh...
Sau khi thờ cúng Then, tổ tiên, thần linh thổ địa và làm vía, trẻ em được người lớn khen thưởng và phát lộc. Trong ngày Tết Xíp xí chúng được vui chơi thỏa thích đến tận khi trăng lên.
Nghi lễ Tết Xíp xí được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Theo Quyết định số 2313/QĐ-BVHTTDL ngày 9/8/2024, Nghi lễ Tết Xíp xí của dân tộc Thái trắng ở huyện Quỳnh Nhai và huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La đã được đưa vào danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, thuộc tập quán xã hội, tín ngưỡng.
Sau nghi lễ cúng, các thành viên trong gia đình cùng quây quần bên mâm cỗ, chúc nhau những điều tốt đẹp. Đây cũng là dịp để cộng đồng người Thái trắng thể hiện lòng mến khách. Khách đến nhà đều được đón tiếp nồng hậu và được thưởng thức những món ăn đặc trưng trong ngày Tết Xíp xí như cá nướng, gỏi cá, canh bon, canh chua, rêu đá, xôi ngũ sắc, thịt hun khói, nộm da trâu.
Những năm gần đây, huyện Phù Yên, Sơn La đã tổ chức nhiều hoạt động phục dựng nghi lễ Tết Xíp xí và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, ẩm thực... góp phần khơi dậy lòng tự hào, phát huy truyền thống văn hoá của người Thái trắng.
Đến với không gian Tết Xíp xí mọi người được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sống và làm sống lại những truyền thống văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, cầu chúc phúc cho mọi người nhiều may mắn, an lành, sức khỏe. Với trẻ em dân tộc Thái trắng, Tết Xíp xí là một ngày Tết đặc biệt vì ngoài ăn cỗ cùng gia đình các em còn được gói phần những thức ăn ngon nhất để khi rủ nhau đi chăn trâu hoặc chơi các trò chơi sẽ được bày ra để liên hoan.
Nghi lễ Tết Xíp xí góp phần củng cố sự gắn kết, thống nhất giữa các thành viên trong gia đình và cộng đồng, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó những yếu tố về văn hóa truyền thống được bảo lưu và kế thừa, giúp các thế hệ sau hiểu được về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng là nghi lễ mang đậm bản sắc tộc người, mang yếu tố tâm linh, nhân văn, gắn kết cộng đồng sâu sắc.
Việc công nhận “Nghi lễ Tết Xíp xí” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định giá trị văn hóa độc đáo của người Thái trắng, mà còn là nguồn động lực để các dân tộc tại Sơn La thêm yêu và tự hào về văn hóa truyền thống của mình, góp phần tăng cường tình đoàn kết dân tộc.